Cách phòng ngừa ngộ độc và tác hại lâu dài của rượu

Minh Đức, icon
09:30 ngày 30/04/2019

VTV.vn - Người dân không nên uống quá nhiều rượu có nồng độ từ 30 độ trở lên/ngày, không uống quá 5 ngày trong 1 tuần và tuyệt đối không uống rượu pha bằng cồn công nghiệp.

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 là thời điểm nhiều gia đình tổ chức tiệc tùng, ăn uống linh đình. Những cuộc vui như thế này thường không thể thiếu rượu bia, mặc dù các cơ quan chức năng, chính quyền, Bộ Y tế thường xuyên tuyên truyền tác hại của thức uống này cũng như nguy cơ ngộ độc rượu nhưng nhiều người vẫn bỏ ngoài tai.

Rượu là đồ uống chứa etanol. Ngộ độc rượu (say rượu) là hậu quả nhiễm độc nhất thời khi uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể dẫn đến các biểu hiện bất thường của hệ thần kinh và các hành vi không bình thường khác.

Ngộ độc rượu biểu hiện ở các mức độ khác nhau từ nhẹ (phản ứng chậm, không kiềm chế kiểm soát được cảm xúc, cục cằn, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững...) đến ngộ độc nặng với các biểu hiện như nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Ngộ độc rượu còn có thể do uống phải rượu giả, rượu có chứa methanol (là một chất cực độc có trong cồn công nghiệp); uống rượu ngâm với thảo mộc (lá, rễ, hạt cây...), động vật (mật, phủ tạng, bộ phận khác...) có chứa các độc tố.

Uống rượu thời gian dài sẽ dẫn đến nghiện rượu. Lạm dụng rượu kéo dài gây tổn thương các cơ quan nội tạng như não, tế bào bị tổn thương vĩnh viễn, mất trí nhớ, hay nhầm lẫn, suy đồi tính cách; tim mạch: cao huyết áp, xơ vữa mạch, loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim; Gan: thoái hóa gan, xơ gan dẫn đến ung thư gan; Dạ dày: viêm, loét niêm mạc; Tụy: viêm cấp tính; Ruột: viêm, gây tiêu chảy; Cơ quan sinh sản: giảm khả năng tình dục ở nam, lãnh cảm ở nữ; Mắc bệnh thần kinh, xơ gan, suy thận; Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có thể gây ngộ độc cho thai nhi, dị tật cho thai nhi, sinh non, ảnh hưởng tới phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ.

Để phòng ngộ độc rượu và các tác hại lâu dài của rượu, mỗi người cần chủ động phòng tránh bằng cách không nên uống quá nhiều rượu có nồng độ từ 30 độ trở lên/ngày (<30ml/người/ngày), và không uống quá 5 ngày trong 1 tuần. Tuyệt đối không uống rượu pha bằng cồn công nghiệp hoặc rượu có hàm lượng Methanol.

Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không rõ nguồn gốc; rượu ngâm với lá, rễ cây độc, phủ tạng động vật không rõ độc tính, mật cá hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân, rượu không có giấy lưu hành của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Không sử dụng rượu trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú; có các tình trạng bệnh lý vì khi dùng rượu có thể sẽ làm cho bệnh nặng lên. Không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

Hiện nay, tỷ lệ số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia vẫn đang tăng cao từng ngày, người dân nên có ý thức trong việc sử dụng các thức uống có cồn, hạn chế uống rượu trước khi tham gia giao thông, đảm bảo an toàn cho bản thân và người xung quanh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục