Chính phủ quân sự Thái Lan nỗ lực lấy lại lòng tin và nụ cười từ người dân Thái Lan. (Ảnh: Internet)
Thiết quân luật, binh biến rồi áp đặt lệnh giới nghiêm, những gì đang diễn ra tại Thái Lan dễ khiến người ta liên tưởng xã hội này đang bị đặt trong một kỷ luật sắt nhà binh. Điều này đang làm chùn bước rất nhiều khách du lịch có ý định tới Thái Lan.
Quân đội Thái Lan, vì thế, mang trong mình một nhiệm vụ mới, bảo vệ cho được hình ảnh "đất nước của những nụ cười". Phải bảo vệ cho được, thậm chí nó không thua kém tầm quan trọng so với việc khôi phục trật tự, nếu biết rằng ngành du lịch và lữ hành của Thái Lan đang đóng góp tới 20% GDP của nền kinh tế, lớn hơn bất cứ quốc gia Đông Nam Á nào
Khắp dọc đất nước Thái Lan, những lễ hội đang được tổ chức với chung một cái tên “Lễ hội hạnh phúc”.
Đại tá Sombat Thanyawan, Trung đoàn bộ binh Thái Lan cho biết: "Xã hội Thái Lan sẽ thực sự hạnh phúc nếu người Thái biết chấp nhận quan điểm của nhau, ngay cả khi họ có những ý kiến đối lập. Họ có thể có những quan điểm trái ngược, nhưng cùng lúc họ phải có thể cùng chung sống".
Lượng khách du lịch tới Thái Lan đã sụt giảm trong suốt 6 tháng qua, kể từ các cuộc biểu tình chống Chính phủ. Nhưng cuộc đảo chính ngày 22/5 mới thực sự đẩy ngành du lịch nước này rơi dốc. Hàng nghìn tour bị hủy, lượng đặt phòng của các khách sạn sụt giảm tới 70%.
Giữ vững một trong những trụ cột phát triển của Thái Lan giờ đây cũng là sứ mệnh của quân đội. Những bữa ăn miễn phí cho người thu nhập thấp, hay tăng cường các hoạt động xã hội cộng đồng, những binh lính đang mong muốn cho thấy họ không chỉ có súng ống hay xe tăng.
Sau khi thời gian giới nghiêm được nới lỏng, thậm chí được bãi bỏ tại một số địa điểm du lịch nổi tiếng ngoài Băng Cốc, người ta kỳ vọng khách du lịch sẽ trở lại.
Ông Deepak Ohri, Giám đốc khu nghỉ dưỡng Lebua nói: "Người Thái thực tế là một dân tộc tuyệt vời. Người ta sẽ luôn quay trở lại. Cho dù đó có sóng thần, lụt lội hay là những vấn đề chính trị, du khách cũng sẽ luôn quay trở lại".
Quân đội cho biết, sẽ không có cuộc bầu cử nào trong vòng 1 năm tới, đồng nghĩa, du khách khi đến Thái Lan sẽ còn tiếp tục phải sống trong kỷ luật nhà binh. Nhưng tại sân ga, du khách đã trở lại.
Anh Yoann Ella, du khách Pháp chia sẻ: "Tôi đã luôn đặt câu hỏi liệu có nên đến Bangkok. Chúng tôi đã nghe thấy rất nhiều về bạo lực qua tin tức trên ti vi, nhưng giờ đây thì tôi cảm thấy an toàn và chưa thấy điều gì bất ổn cả".
Hồi năm 2006, sau khi lật đổ Thủ tướng Thacksin Shinawat, quân đội đã cầm quyền trong vòng 1 năm trước khi trao trả lại cho một chính quyền dân sự. Lần này không ai rõ quân đội sẽ nắm quyền trong bao lâu. Nhưng quân đội Thái Lan, hơn ai hết, hiểu rằng, nếu không tạo được sự khác biệt so với cuộc binh biến trước, thì rồi xã hội Thái Lan lại sẽ rơi vào vòng xoáy của những chia rẽ và bất ổn chính trị.