Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 11/10/2021 20:25 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam là một trung tâm thu hút đầu tư quan trọng ở Đông Nam Á. Dịch bệnh dù gây nhiều khó khăn, tuy nhiên không hề có sự rút vốn của các doanh nghiệp FDI khỏi Việt Nam.

Doanh nghiệp FDI đẩy mạnh sản xuất

Gần 2 năm qua dòng đầu tư nước ngoài trên toàn cầu đang định hình lại do ảnh hưởng của COVID-19. Sự an toàn và bền vững là ưu tiên hàng đầu - Việt Nam tiếp tục chứng minh được điều này với nền tảng vững chắc của nền kinh tế tạo sức bật ngay khi dịch được kiểm soát.

Lúc này, các biện pháp nới lỏng giãn cách được áp dụng, các doanh nghiệp FDI đã khởi động các dây chuyền sản xuất, thậm chí mở rộng đầu tư. Điều mà nhà đầu tư quan tâm nhất đó là môi trường ổn định.

Nhiều địa phương có nguồn vốn đầu tư FDI cao đang nỗ lực đồng hành với các doanh nghiệp bằng các chính sách hỗ trợ từ sản xuất, duy trì nguồn lao động, cũng như hạn chế thấp nhất đứt gãy chuỗi cung cầu vật tư, nguyên liệu hàng hóa.

Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp FDI đã khởi động các dây chuyền sản xuất, thậm chí mở rộng đầu tư. Ảnh minh họa - Nguồn: Dân trí.

Với 5.000 người lao động, 100% đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, hoạt động sản xuất của nhà đầu tư Nhật Bản MeiKo Việt Nam trên địa bàn huyện Thạch Thất, Hà Nội đã dần ổn định.

Ông Ida Sguji - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MeiKo Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đã cố gắng duy trì 3 tại chỗ để đảm bảo đơn hàng. Mức tăng trưởng 10% của năm nay chắc chắn sẽ hoàn thành".

Còn tại Quảng Ninh, sự thành công trong công tác kiểm soát dịch bệnh, triển khai đồng bộ phương châm chống dịch "3 trước, 4 tại chỗ", không chỉ tạo ra sự ổn định cho hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp FDI, mà đã tạo việc làm mới cho hàng chục nghìn lao động chuyển dịch từ lĩnh vực du lịch sang sản xuất.

"Sau gần 1 năm phát triển giai đoạn 1, năm nay chúng tôi đã dễ dàng đạt mục tiêu xuất khẩu trên 25 triệu sản phẩm với doanh thu trên 15 triệu USD", ông Khâu An Lượng - Công ty TNHH Dệt may WEILI Việt Nam cho hay.

Đợt dịch vừa qua đã tấn công trực tiếp vào các trung tâm công nghiệp lớn của cả nước như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… Có đến 70% tổng số vốn FDI vào Việt Nam tập trung ở TP Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành phố phía Nam.

Thiếu nhân công, chi phí tăng, năng suất lao động giảm... đã có lúc nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, với giải pháp duy trì sản xuất trong giãn cách và chủ động phương án phục hồi nên ngay khi nới lỏng giãn cách xã hội, các doanh nghiệp đã nhanh chóng tăng tốc dây chuyền.

Ông Michel Bertsch - Giám đốc Công ty TNHH Geuther Việt Nam, Bình Dương cho hay: "Rất nhiều công việc được thực hiện bởi đội nhân sự, bởi các nhà quản lý để thuyết phục người lao động. Chúng tôi đang sản xuất ở khoảng 60 - 70% công suất bình thường của chúng tôi. Chúng tôi phải thay đổi một số đơn hàng. Tôi khá có niềm tin, tôi nghĩ rằng trong một vài tuần nữa tình hình sẽ được cải thiện và tất cả sẽ trở lại bình thường".

Doanh nghiệp FDI tin tưởng đầu tư vào Việt Nam

Trong tháng 9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì 3 cuộc gặp với đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn lớn để lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn bởi dịch bệnh. Cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ với những chính sách chống dịch của Chính phủ và cam kết đồng hành cùng Việt Nam vượt qua đại dịch.

Một thông điệp xuyên suốt, nhất quán mà Thủ tướng nhấn mạnh nhiều lần đó là khi đối thoại với các doanh nghiệp phải đảm bảo: Lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ.

Việt Nam là một trung tâm thu hút đầu tư quan trọng ở Đông Nam Á. Dịch bệnh dù gây nhiều khó khăn, tuy nhiên không hề có sự rút vốn của các doanh nghiệp FDI khỏi Việt Nam. Thậm chí, đa số các doanh nghiệp đều bày tỏ sẽ không vì vài tháng khó khăn mà từ bỏ kế hoạch đầu tư, sản xuất lâu dài tại Việt Nam.

Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh 2.

Dịch bệnh dù gây nhiều khó khăn, tuy nhiên không hề có sự rút vốn của các doanh nghiệp FDI khỏi Việt Nam. Ảnh minh họa - Nguồn: TTXVN.

88 trong tổng số 112 nhà máy sản xuất giày thể thao Nike tại Việt Nam nằm ở miền Đông Nam Bộ. Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong nước đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh. Theo tờ Le courrier du Vietnam, tập đoàn Nike cho biết sẽ tiếp tục đầu tư và mở rộng sản xuất tại Bình Dương. Hiện một số lao động làm việc tại các nhà máy của tập đoàn đã quay trở lại làm việc trong trạng thái bình thường mới.

"Ở đây chỉ có sự dịch chuyển đơn hàng, còn các nhà máy sản xuất tại Việt Nam họ vẫn đang tiếp tục duy trì. Vừa qua, trong tháng 8 - 9, các doanh nghiệp đã phải ngừng sản xuất để phòng chống dịch. Việc này đã ảnh hưởng đến tiến độ đơn hàng cuối năm nên buộc các nhãn hàng, không chỉ Nike mà các nhãn hàng khác đã phải chuyển đơn hàng", bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho hay.

Ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương nói: "Dịch chuyển sản xuất hay dịch chuyển đầu tư đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhãn hàng lớn thì không đơn giản. Việc đặt cơ sở sản xuất tại quốc gia nào cũng cần phải có đánh giá thấu đáo về môi trường kinh tế, môi trường chính trị, cũng như là những chính sách hỗ trợ của ngành... Những thống kê gần đây về dòng vốn FDI tại Việt Nam cho thấy rằng họ sẽ tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam".

Còn liên quan đến các công ty Đức tại Việt Nam, hãng truyền thông DW của Đức dẫn nguồn một cuộc khảo sát riêng của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho rằng: "Sẽ không có bất kỳ cuộc di cư lớn nào của các công ty nước ngoài khỏi Việt Nam".

Ông Alexander Goetz - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam cho hay: "Chúng tôi hy vọng sẽ có một kế hoạch rõ ràng và thống nhất để chúng tôi có thể xây dựng kế hoạch cụ thể, tiếp cận các nhà cung ứng đầu vào, dịch vụ logistics, từ đó trở lại trạng thái sản xuất và kinh doanh bình thường".

Tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, khi dịch bệnh còn căng thẳng, dự án sản xuất cà phê của Nestle Việt Nam vẫn tăng vốn thêm 132 triệu USD. Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành trong 2 năm với công suất nâng lên gấp đôi.

Còn tại Bắc Ninh, nhà đầu tư Samsung vẫn đang giải ngân hàng trăm triệu USD vốn bổ sung. Thu hút FDI của tỉnh đến thời điểm này đạt trên 650 triệu USD, gấp 1,5 lần năm ngoái và tự tin với mục tiêu thu hút FDI trên 2 tỷ USD trong cả năm nay.

"Chúng tôi vẫn đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển quy mô hơn 220 triệu USD cho 6 nhà máy và đa dạng hoá các hạng mục sản xuất. Chúng tôi không thay đổi chiến lược đầu tư vào Việt Nam. Đây sẽ là cứ điểm nghiên cứu và phát triển chiến lược chứ không chỉ là dây chuyền sản xuất", ông Choi Joo Hoo - Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam nói.

Từ đầu năm đến nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vẫn đạt hơn 22 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI quy mô trên 50 triệu USD vẫn duy trì tăng mạnh.

Dòng vốn FDI sẽ còn tăng mạnh

Theo các báo cáo toàn cầu, các điều kiện nền tảng của Việt Nam vẫn vững mạnh, vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong những năm gần đây được củng cố thông qua một loạt hiệp định tự do thương mại. Tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,8% trong năm 2022 với một triển vọng đáng tin cậy trước mắt cũng như về lâu về dài và dòng vốn FDI sẽ còn tăng mạnh.

Ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho hay: "Trong vòng 10 - 20 năm qua, Việt Nam đã trở thành cơ sở sản xuất quan trọng của các công ty Nhật Bản. Hầu như sẽ không có công ty nào nghĩ đến việc rời bỏ Việt Nam chỉ vì vài tháng khó khăn, mặc dù tất nhiên họ sẽ phải điều chỉnh và cải thiện hệ thống sản xuất cho phù hợp tình hình mới".

Bà Ann Mawe - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam nói: "Mặc dù 4 tháng vừa qua khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp Thụy Điển vẫn nhìn thấy các lợi thế tại thị trường Việt Nam. Có rất nhiều lý do, điển hình là Hiệp định thương mại tự do EVFTA đã mang lại nhiều lợi thế cho các nhà đầu tư tại Việt Nam".

"Nhiều doanh nghiệp châu Âu đã chuẩn bị kế hoạch kinh doanh và mở rộng đầu tư. Các doanh nghiệp chúng tôi không rời thị trường mà chỉ là chậm lại để tính toán các bước đi tiếp theo. Sự kiên cường cùng nhau sẽ là chìa khoá chiến thắng dịch bệnh, phục hồi sản xuất", ông Alan Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) bày tỏ.

Ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho biết: "Việt Nam thành công là điểm xuất khẩu thành công trong các lĩnh vực như dệt may da giày, công nghệ, thiết bị. Do đó, Việt Nam đã xây dựng được một nền tảng vững chắc trong mắt xích chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Ở thời điểm này, các nhà đầu tư nước ngoài có thể chậm lại trong việc rót vốn vào đầu tư mới, để đầu tư vào nghiên cứu, hoặc thay đổi mô hình quản trị hiệu quả hơn".

Những diễn biến mới nhất khi chuyển sang trạng thái "bình thường mới" càng khẳng định những khó khăn này chỉ là nhất thời, Việt Nam tiếp tục là điểm đến ngày càng hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Việc tái khởi động sản xuất, lấy lại đã phục hồi thành công hay không, không chỉ có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, mà luôn có sự chia sẻ, chung tay, chung sức của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI. Trong khó khăn, sự đồng hành và đoàn kết chính là sức mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước