Vì sao "siêu kỳ lân" Go-Jek từ bỏ thương hiệu Go-Viet tại Việt Nam?

Chinh Vũ-Thứ bảy, ngày 11/07/2020 14:12 GMT+7

VTV.vn - Theo những báo cáo thị trường độc lập, sau gần 2 năm Go-Jek hoạt động dưới thương hiệu Go-Viet, thị trường Việt Nam tỏ ra là miếng bánh không dễ xơi với "siêu kỳ lân" này.

Tuần qua Go-Jek, công ty công nghệ "siêu kỳ lân" - cách gọi các công ty công nghệ định giá trên 10 tỷ USD - của Indonesia đã tuyên bố sẽ xóa bỏ các thương hiệu "con" tại toàn bộ thị trường ngoài Indonesia, bao gồm thương hiệu Go-Viet tại Việt Nam. Động thái hợp nhất thương hiệu diễn ra trong bối cảnh Go-Viet đã tham gia vào thị trường gọi xe công nghệ và giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam được gần 2 năm.

Theo những báo cáo thị trường độc lập, thị trường Việt Nam tỏ ra là miếng bánh không dễ xơi với Go-Jek. Ở mảng gọi xe, giao hàng, Go-Viet có tỷ trọng số cuốc xe hoàn thành xếp thứ 3 sau Grab và Be (Go-Viet chỉ có dịch vụ gọi xe máy, trong khi Grab và Be có cả dịch vụ gọi xe máy lẫn ô tô - PV).

Trong khi đó, ở mảng đặt món trực tuyến, dịch vụ Go-Food của Go-Viet cũng xếp thứ 3 về mức độ hài lòng và tần suất sử dụng thường xuyên, sau GrabFood và Now.

Vì sao siêu kỳ lân Go-Jek từ bỏ thương hiệu Go-Viet tại Việt Nam? - Ảnh 1.

Sức nóng của cuộc cạnh tranh "đốt tiền" lấy thị phần giữa các ứng dụng gọi xe công nghệ những năm qua đã khiến thị trường Việt Nam là miếng bánh không dễ xơi với Go-Jek.

Tổng Giám đốc Go-Jek Việt Nam Phùng Tuấn Đức khẳng định vẫn đang tăng trưởng tốt trên thị trường, nền tảng này vừa cán mốc 200 triệu đơn hàng tại Việt Nam, cao gấp đôi so với chỉ 6 tháng trước đó. Tuy vậy, vị thuyền trưởng này cũng cho rằng, cái khó của thị trường Việt Nam là mức độ cạnh tranh rất cao, phần nào dẫn đến quyết định khai tử thương hiệu cũ.

Ông Phùng Tuấn Đức cho biết: "Với mong muốn trở thành một siêu ứng dụng, chúng tôi đang cạnh tranh với các đối thủ ở từng ngành một. Trong ngành gọi xe chúng tôi có vài đối thủ, ngành gọi đồ ăn lại có một vài đối thủ và cả những đối thủ trong lĩnh vực siêu ứng dụng nữa. Điều này đặt sức ép, khiến chúng tôi đưa ra quyết định thay đổi lần này".

Sức nóng của cuộc cạnh tranh "đốt tiền" lấy thị phần giữa các ứng dụng gọi xe công nghệ những năm qua đã khiến thị trường Việt Nam là miếng bánh không dễ xơi với Go-Jek. Đối thủ chính ở khu vực của họ là Grab đã đầu tư vào Việt Nam đến 100 triệu USD từ năm 2014 trước khi năm ngoái tuyên bố tiếp tục lượng tiền gấp 5 lần như thế vào thị trường Việt Nam

Đó là chưa kể mảng giao đồ ăn còn có Now, Baemin đều được chống lưng bởi các tập đoàn giàu tiềm lực từ Singapore và châu Âu... khiến cuộc cạnh tranh đốt tiền được dự báo vẫn sẽ tiếp diễn.

Anh Tuấn Phạm, Giám đốc Nghiên cứu Thị trường, Asia Plus, nhận định: "Điểm mấu chốt để làm nên sự khác biệt là giảm giá - trực tiếp trên sản phẩm và phí giao hàng, thực đơn món ăn có đa dạng đầy đủ không. Gần như các bên đều đưa ra các dịch vụ giống nhau, gần như không có khác biệt".

Vì sao siêu kỳ lân Go-Jek từ bỏ thương hiệu Go-Viet tại Việt Nam? - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: The Business Times)

Đại diện iPrice - đơn vị chuyên theo dõi thị trường công nghệ tại khu vực Đông Nam Á cho rằng, nguyên nhân khiến thành quả của Go-Jek còn khiêm tốn tại Việt Nam là do công ty mẹ chưa thực sự tập trung cho các thị trường ngoài thị trường chính Indonesia. Bằng chứng là Go-Jek đã chấp nhận để trống "chiếc ghế nóng" Tổng Giám đốc gần 10 tháng qua sau khi bà Lê Diệp Kiều Trang rời vị trí này vào tháng 9-2019. Tuy nhiên quyết định hợp nhất thương hiệu, đi cùng với việc bổ nhiệm ông Phùng Tuấn Đức vào vị trí Tổng Giám đốc Go-Jek Việt Nam có thể mở ra một tương lai rất khác.

Anh Đặng Đăng Trường, Trưởng Ban Truyền thông, iPrice Việt Nam, cho biết: "Việc hợp nhất cho thấy một quyết tâm cao hơn, sự nghiêm túc hơn. Đặc biệt, Ban lãnh đạo của Go-Jek cũng đặt ra mục tiêu cụ thể lần đầu tiên, là trong vòng 4-5 năm tới, 50% lượng người dùng của Go-Jek sẽ đến từ các nước ngoài Indonesia. Đây là lần đầu tiên họ đưa ra một mục tiêu cụ thể như vậy".

Giới quan sát cho rằng, hậu hợp nhất thương hiệu, "siêu kỳ lân" công nghệ này chú trọng khai thác các mảng thị trường còn nhiều màu mỡ của Việt Nam như thanh toán điện tử và tài chính, đặc biệt khi Go-Jek vừa gọi được vòng vốn tỷ USD từ Facebook, Google, Tencent và Paypal để làm việc này, thay vì cuốn theo cuộc đua đốt tiền ở các mảng như gọi xe công nghệ hay giao đồ ăn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước