Ngày mua sắm Lễ độc thân 2019 của Alibaba đã khép lại với tổng giá trị hàng hóa giao dịch trên các nền tảng trực tuyến lên tới 38,4 tỷ USD, xô đổ kỷ lục được thiết lập hồi năm ngoái. Không chỉ đóng góp về mặt doanh số, ngày hội mua sắm thường niên này còn được dự báo sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của gã khổng lồ trong ngành thương mại điện tử Trung Quốc trong thời gian tới.
Vắng Jack Ma, không vấn đề gì!
Ngày 11/11 năm nay, đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với Alibaba, khác hẳn những dịp mua sắm thường niên trước đó. Đây là lần đầu tiên kể từ khi được khởi xướng hồi năm 2009, ngày hội mua sắm Lễ độc thân của Alibaba vắng mặt nhà sáng lập tập đoàn – tỷ phú Jack Ma, người đã từ chức chủ tịch để về hưu hồi tháng 9.
Theo Bloomberg, ngày Lễ độc thân (11/11) không phải sản phẩm của riêng Alibaba, mà đã xuất hiện từ những năm đầu thập niên 90 tại Trung Quốc. Jack Ma, cùng với một nhân vật khi đó ít được biết đến là giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang, đơn giản là đã thương mại hóa ngày này, biến nó trở thành một sự kiện lớn của ngành bán lẻ, tương tự như Valentine, Black Friday hay Cyber Monday.
Thậm chí, Alibaba còn đi xa hơn nữa khi khiến cho ngày Lễ Độc Thân trở thành sự kiện mang màu sắc thương hiệu riêng của mình. Trong khi Black Friday hay Cyber Monday tại Mỹ không thuộc về bất kỳ hãng bán lẻ nào, tại Trung Quốc, chỉ cần nhắc đến ngày Lễ Độc Thân là nhắc đến Alibaba và ngược lại. Dưới thời Jack Ma, ngày hội mua sắm của Alibaba thực sự đã vươn mình trở thành "một con quái vật khổng lồ" với tổng giá trị giao dịch (GMV) tăng trưởng hơn 4.000 lần trong giai đoạn từ 2009 – 2018. Doanh thu trong ngày này thậm chí còn lớn hơn cả Black Friday và Cyber Monday cộng lại. Với ngày Lễ Độc Thân, Alibaba từ chỗ chỉ là một công ty mới nổi, đã vươn mình trở thành gã khổng lồ trong ngành thương mại điện tử Trung Quốc, từng bước chinh phục các thị trường quốc tế.
Nhìn qua các con số, có thể thấy, ngay cả khi thiếu vắng nhà sáng lập Jack Ma, Alibaba vẫn thắng lớn trong ngày mua sắm năm nay, với doanh thu 1 tỷ USD chỉ sau 1 phút 8 giây, và 38,4 tỷ USD trong suốt cả ngày. Dù mức tăng trưởng doanh thu chỉ là 25%, thấp hơn cả mức 27% hồi năm ngoái, đây vẫn là kết quả tích cực, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu hơn và chiến tranh thương mại với Mỹ vẫn đang tiếp diễn.
"Dịp mua sắm Lễ độc thân được coi là hàn thử biểu về mức độ chi tiêu của người Trung Quốc trong bối cảnh tăng trưởng GDP chậm lại", ông Jeffrey Halley – nhà phân tích thị trường cấp cao khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Oanda cho biết, "Chính sách giảm giá lớn thường rất hấp dẫn với người tiêu dùng, dù tình trạng kinh tế có tệ thế nào".
Báo lãi lớn dù kinh tế giảm tốc
Không chỉ bội thu trong dịp Lễ độc thân, Alibaba cũng đang ghi nhận một năm kinh doanh khá thành công, dù phải đối mặt với những điều kiện không thực sự thuận lợi. Báo cáo lợi nhuận mới nhất của Alibaba cho thấy, trong quý III/2019, tăng trưởng doanh thu của công ty đạt mức 40% so với cùng kỳ năm trước và P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) tăng 36%. Cả 2 con số này đều vượt ước tính của các chuyên gia ở Phố Wall, bởi người tiêu dùng Trung Quốc vẫn tiếp tục mua sắm mạnh tay dù sản xuất và xuất khẩu sụt giảm. Theo dự kiến của Alibaba, doanh thu của năm tài chính 2020 kết thúc vào tháng 3 sẽ đạt mức 500 tỷ nhân dân tệ (71,5 tỷ USD). Cổ phiếu của hãng vẫn đang duy trì đà tăng mạnh mẽ, với mức tăng lên tới 36% kể từ đầu năm tới nay.
Trả lời phỏng vấn CNN, Giám đốc Marketing của Alibaba Chris Tung cho biết: "Chúng tôi vẫn tự tin với tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế. Alibaba đang hướng tới các khu vực ít phát triển hơn tại Trung Quốc, để tiếp cận nhiều người mua hơn. Đó là cơ hội rất lớn chưa được khai phá".
Cú chạy đà thuận lợi cho IPO
Không chỉ dừng lại ở việc nâng cao doanh số, những kết quả tích cực từ ngày Lễ Độc Thân được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích lớn cho thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Alibaba tại thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) ngay trong tháng 11.
Trước đó, hãng đã phải hủy bỏ kế hoạch IPO hồi tháng Sáu vừa qua do các cuộc biểu tình tại Hong Kong (Trung Quốc), đồng thời giảm mục tiêu huy động vốn từ con số 20 tỷ USD xuống còn từ 10 – 15 tỷ USD. Financial Times dẫn một số nguồn tin thân cận cho biết, con số thực tế mà Alibaba thu về có thể là 11 tỷ USD, nhưng sẽ còn phụ thuộc nhiều vào tâm lý của thị trường.
Một số nhà quan sát nhận định rằng việc Alibaba niêm yết thành công tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc) có thể gây áp lực lớn cho cổ phiếu của các công ty đối thủ như Tencent Holdings và Meituan, bởi các nhà đầu tư có thể cân đối lại danh mục cổ phiếu Internet của mình và chuyển hướng rót vốn vào Alibaba.
Một mũi tên trúng nhiều đích
Thế nhưng, liệu nhu cầu về vốn có phải là động lực duy nhất thúc đẩy Alibaba tiến hành đợt IPO lần này?
Theo Nikkei Asian Review, tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc hiện cũng là công ty niêm yết lớn nhất châu Á, với giá trị vốn hóa thị trường lên tới 486 tỷ USD, dựa trên giá cổ phiếu giao dịch tại sàn chứng khoán New York (Mỹ). Tính đến hết tháng 9, Alibaba hiện có 33 tỷ USD tiền mặt và các khoản tương đương, trong khi số nợ chỉ là 21 tỷ USD. Và cùng với những kết quả tích cực vừa đạt được trong dịp bán lẻ nhân ngày Lễ độc thân vừa qua, rõ ràng, gọi vốn không phải là mục tiêu hàng đầu của Alibaba trong đợt IPO lần này.
Theo chuyên gia phân tích Vicky Wu của công ty môi giới ICBC International tại Hong Kong: "Việc niêm yết tại Hong Kong của Alibaba nhằm thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư Trung Quốc, những người không thể đầu tư tại thị trường chứng khoán Mỹ do các biện pháp kiểm soát chặt chẽ dòng vốn đầu tư ra nước ngoài trong thời gian qua của Bắc Kinh." Với việc Alibaba IPO tại Hong Kong, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể mua cổ phiếu Alibaba thông qua các kênh kết nối giữa sàn Hong Kong, với các sàn Thượng Hải và Thâm Quyến.
Bên cạnh đó, việc niêm yết tại Hong Kong cũng sẽ là một sự bảo đảm an toàn cho Alibaba, trong bối cảnh công ty này có thể phải đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết tại thị trường New York. Trước đó, Quốc hội Mỹ đã xem xét đề xuất hạn chế lượng vốn được đầu tư vào Trung Quốc, và thậm chí, có thể sẽ huỷ niêm yết một số công ty của Trung Quốc đại lục. Và dù cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang phát đi những tín hiệu tích cực về khả năng hai bên đạt được thoả thuận thương mại, một phương án dự phòng rõ ràng là không bao giờ thừa, đặc biệt là khi mọi thứ vẫn chưa có gì rõ ràng.
Rào cản đối với sự phát triển của Alibaba?
Nikkei dẫn hai nguồn tin thân cận cho biết Alibaba dự định dùng số tiền huy động được qua niêm yết lần hai ở Hong Kong để phát triển các dự án trí tuệ nhân tạo hoặc thâu tóm các công ty trong lĩnh vực giao đồ ăn và du lịch. Đây là hai lĩnh vực mà hãng đang cạnh tranh với Meituan - công ty nắm giữ thị phần lớn nhất trên thị trường Trung Quốc. Các động thái này cho thấy tham vọng rõ ràng của Alibaba thời hậu Jack Ma. Với nhà lãnh đạo mới là chủ tịch Daniel Zhang, Alibaba sẽ không chỉ giới hạn ở bán lẻ trực tuyến, mà dựa nhiều hơn vào các loại hình kinh doanh khác như điện toán đám mây, truyền thông và giải trí kỹ thuật số, bán lẻ truyền thống và các dịch vụ địa phương như giao hàng…
Thế nhưng, một trong những rào cản lớn đối với quá trình chuyển đổi này rất có thể lại chính là ngày mua sắm Lễ Độc Thân – di sản dưới thời Jack Ma.
Theo Bloomberg, trong suốt nhiều năm, thành công to lớn của Lễ Độc Thân một mặt giúp Alibaba lớn mạnh, nhưng đồng thời cũng in sâu vào tâm trí người tiêu dùng rằng Alibaba chỉ là một hãng thương mại điện tử, ngay cả khi công ty này từ lâu đã mở rộng sang nhiều mảng hoạt động kinh doanh khác. Trong dịp lễ mua sắm hồi năm 2016, chính tỷ phú Jack Ma từng thừa nhận "Nó không đại diện cho định danh của chúng tôi. Việc quá coi trọng ngày này, khiến mọi người chỉ nghĩ chúng tôi là một hãng thương mại điện tử." Trong hai năm trở lại đây, Alibaba thậm chí đã loại bỏ những con số GMV đầy ấn tượng, nhưng có mối tương quan gần như bằng 0 với doanh thu hay lợi nhuận của hãng, khỏi báo cáo tài chính hàng quý, nhằm thay đổi những cách nhìn cũ của giới đầu tư.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Bloomberg Businessweek hồi tháng 9, tân chủ tịch Alibaba Daniel Zhang từng chia sẻ: "Mỗi doanh nghiệp đều có một vòng đời nhất định. Nếu chúng tôi không giết chết những mảng kinh doanh hiện tại thì sẽ có người khác làm điều đó. Vì vậy, tôi muốn tạo ra những mảng kinh doanh mới để loại bỏ các hoạt động kinh doanh cũ."
Và do đó, nếu có một ngày chủ tịch Zhang quyết định giảm bớt vai trò, hoặc thậm chí loại bỏ "đứa con tinh thần" mà ông và Jack Ma từng cùng nhau tạo nên, thì cũng không phải là điều gì quá bất ngờ. Đó đơn giản chỉ là bỏ đi một hoạt động kinh doanh cũ, một di sản cũ của "thời đại Jack Ma", để chuẩn bị cho Alibaba tiến vào một kỷ nguyên phát triển mới.
Nguồn tổng hợp: Bloomberg, CNN, Nikkei Asian Review, Financial Times, Reuters