Có trữ lượng lớn, giá trị xuất khẩu cao, cá ngừ đại dương là một trong bốn mặt hàng chủ lực ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, công nghệ đánh bắt, bảo quản và chế biến cá ngừ còn lạc hậu. Đây là đánh giá chung tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện đề án khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi tại tỉnh Phú Yên.
Hiện nay, nghề khai thác cá ngừ đại dương chủ yếu tập trung tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa với số lượng tàu tham gia là hơn 2.300 chiếc. Có 15 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá ngừ sang hơn 100 quốc gia trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu hơn 500 triệu USD/năm.
Bước đầu, 3 tỉnh trọng điểm xuất khẩu cá ngừ này đã hình thành được các chuỗi liên kết từ khâu khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ. Tuy nhiên, các chuỗi này chưa tạo động lực cho ngư dân cải tiến phương thức đánh bắt, chưa đầu tư hầm bảo quản theo yêu cầu kỹ thuật để nâng cao chất lượng cá ngừ. Hiện các tỉnh cũng chưa xây dựng được cảng cá ngừ chuyên dụng và chợ bán đấu giá cá ngừ để giảm bớt tình trạng ép giá từ các cơ sở thu mua.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giải pháp cần thiết để nâng cao giá trị cá ngừ cũng như cải thiện thu nhập cho ngư dân là phải tổ chức lại sản xuất, tăng cường gắn kết giữa các mắt xích, đồng thời minh bạch hóa thị trường, từng bước xây dựng thương hiệu, dán nhãn sinh thái cho sản phẩm cá ngừ. Các nhãn hiệu này được xem là giấy thông hành vào thị trường các nước, nhất là thị trường khó tính như: EU, Bắc Mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!