Phát biểu tại họp báo Diễn đàn Thường niên về Quản trị Công ty lần thứ 7 (AF7), bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) cho biết niềm tin của thị trường với doanh nghiệp được xây dựng trên "hai chân" đó là hệ thống quản trị công ty và tính chính trực của những nhà lãnh đạo (hội đồng quản trị, tổng giám đốc và ban điều hành).
Bà Thanh cho rằng, đầu tư vào quản trị công ty là khoản đầu tư vô cùng thông minh, mang tính chiến lược không chỉ giúp ứng phó với rủi ro mà thu hút các nhà đầu tư "có trách nhiệm". Bà Thanh nêu.
"Nếu doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì quản trị công ty không còn là sự lựa chọn mà dây chắc chắn phải là phải hành động", đại diện VIOD cho biết.
Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam
Đại diện VOID nhấn mạnh quản trị công ty tốt sẽ giúp năng lực cạnh tranh "mềm" của công ty. "Năng lực cạnh tranh cứng đến từ chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, tương tác của sản phẩm, dịch vụ trên thị trường. Còn năng lực cạnh tranh mềm đến từ hệ thống quản trị công ty, nơi tính minh bạch được rõ ràng, nơi quản trị rủi ro được gọi tên", bà Hà Thu Thanh cho biết.
Theo bà Thanh, kinh doanh là phải có rủi ro, nhưng điều quan trọng khi rủi ro xảy ra thì chúng ta có khả năng ứng phó. Công ty có quản trị rủi ro mạnh sẽ cho khả năng ứng phó với rủi ro tốt nhất, giúp tránh gián đoạn sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, quản trị công ty tốt còn giúp doanh nghiệp vượt lên trên sự tuân thủ. Tại đây, doanh nghiệp không chỉ làm đúng, làm đủ các quy định, mà còn làm hay, làm tốt. Theo bà Thanh, điều này đặc biệt quan trọng với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, ngân hàng trong quá trình đánh giá doanh nghiệp.
Sẽ công bố Thẻ điểm VNCG50
Theo ông Phan Lê Thành Long, Tổng giám đốc Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD), về quản trị công ty, ở cấp khu vực, Việt Nam đang tham gia 7 kỳ đánh giá chương trình thẻ điểm Quản trị công ty ASEAN (ACGS). Việt Nam liên tiếp giữ thứ hạng thấp trong cả 7 kỳ đánh giá và điểm quản trị công ty bình quân luôn dưới mức trung bình. Năm 2024, Việt Nam chỉ có 69 doanh nghiệp được lựa chọn do yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh và chất lượng báo cáo.
Theo VOID, hiện mặt bằng quản trị công ty của Việt Nam đang ở cấp độ thấp nhất trong 6 nước ASEAN và thấp hơn mức độ trung bình trong đánh giá Thẻ điểm quản trị công cy Đông Nam Á (ACGS). Do đó, yêu cầu nâng cao chất lượng và mặt bằng QTCT cho Việt Nam cần được thực sự coi trọng như một mục tiêu chiến lược quan trọng và cần được ưu tiên hàng đầu.
Ông Phan Lê Thành Long, Tổng giám đốc Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam
Tại Diễn đàn AF7 sắp tới, VIOD cũng lần đầu tiên công bố sáng kiến VNCG50. Đây là bộ thẻ điểm được xây dựng dựa trên các chỉ số đánh giá của ACGS theo các thông lệ tốt, đồng thời dựa trên thực tiễn về quản trị công ty tại Việt Nam. VNCG50 được đánh giá bởi Hội đồng do VNX chủ trì, gồm các thành viên là các chuyên gia đến từ các Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), đại diện quỹ, công ty chứng khoán và chuyên gia độc lập.
VNCG50 nhằm mục tiêu giúp doanh nghiệp niêm yết Việt Nam cải thiện thực hành quản trị công ty theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, thu hẹp khoảng cách thực hành quản trị công ty của Việt Nam với khu vực Đông Nam Á, nâng điểm ACGS lên mức trung bình, từ đó nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, tăng tính minh bạch và thu hút nhà đầu tư.
Theo quy trình, dựa trên rổ VNX Allshare, các doanh nghiệp sẽ được rà soát về thực hành công bố thông tin về quản trị và Báo cáo thường niên bằng tiếng Anh, xem xét việc tham gia đánh giá ACGS 3 năm gần nhất và từ đó đề cử ra 64 doanh nghiệp lên Hội đồng đánh giá lựa chọn. Sau khi đánh giá, 50 doanh nghiệp được chọn sẽ lọt vào danh sách VNCG50.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!