Sức chống chịu của doanh nghiệp nhỏ và vừa đang suy giảm
Diễn đàn "Tăng cường giải pháp tài chính và giao dịch điện tử hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội năm 2022" do Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp với các cơ quan trung ương và địa phương tổ chức đã diễn ra vào ngày 21/1 vừa qua.
Diễn đàn là nơi để cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn, những bài học, cơ hội và những đề xuất hỗ trợ; đồng thời cũng là nơi các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý, hoạch định chính sách và các tổ chức tài chính đưa ra định hướng, giải pháp nhằm hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - văn hóa – xã hội. Đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp khi các nguồn lực dự trữ đang cạn dần mà chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm dẫn đến sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tiếp tục suy giảm.
Triển khai Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá về thực trạng, ảnh hưởng của dịch COVID-19 lên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dự báo về nhu cầu vốn trong thời gian tới". Tác động ảnh hưởng của dịch bệnh và khủng hoảng nhân lực, tài chính trong khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực trạng việc áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động tại địa phương.
Bên cạnh đó là sự chia sẻ, hỗ trợ từ các ngân hàng, tập đoàn lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Thực tế của việc chuyển đổi số Ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng, tiện lợi, hiệu quả.
Đặc biệt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt là gói kích thích và phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng mà kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ nhất vừa thông qua. Trong đó có chính sách mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài NSNN…
Từ đó đưa ra các nhận định về tác động của các giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng đối với doanh nghiệp và nền kinh tế; chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Chính sách phục hồi của Chính phủ là cơ hội để doanh nghiệp thay đổi
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, thời gian qua đã có nhiều chính sách đề ra để hỗ trợ cho doanh nghiệp đang gặp những khó khăn do dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên việc hấp thu chính sách của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế; vẫn có những nhu cầu cấp bách của doanh nghiệp chưa được giải quyết kịp thời. Theo đó, một trong những nguyên nhân quan trọng chính là tính kết nối, gắn kết giữa thực tiễn với chính sách.
Ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội
Cùng đó, việc tác động và tiếp thu ý kiến từ thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp để ban hành chính sách vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh và sự vận động của kinh tế xã hội trong kỷ nguyên số rất nhanh và rất linh hoạt.
Từ đó, ông Nam mong muốn các doanh nghiệp hãy cởi mở, nói lên những điều mình cần, và ngược lại, tiếp thu những ý kiến đóng góp và những mặt còn hạn chế để điều chỉnh, tiến tới chuẩn mực chung, tạo dựng uy tín của doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng, với xã hội.
PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, hỗ trợ kinh tế của Việt Nam so với mức chung của thế giới còn rất ít, trong đó đặc biệt là chính sách tài khóa còn ít hơn. Phần hỗ trợ doanh nghiệp chủ yếu hiện nay là chính sách tiền tệ. Điều này ghi nhận công lao của hệ thống ngân hàng, bao gồm NHNN và các NHTM.
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME
"Chính sách phục hồi lần này của Chính phủ có đặc điểm khác với các nước, đó là "phục hồi và phát triển". Trong khi đó, đa phần các nước trên thế giới chỉ dừng lại ở "phục hồi". Việc đưa ra chính sách này bắt nguồn từ chỗ Việt Nam nhận thức đây là cơ hội để nền kinh tế thay đổi và phát triển mạnh mẽ, là cơ hội để Việt Nam hướng đến tương lai theo nghĩa cải cách và đột phá. DN cũng phải hiểu rằng, chúng ta đang đứng trước cơ hội thay đổi mình. Do đó việc tái cơ cấu DN là cơ hội và DN phải chủ động làm. DN cần mượn sức để tái cơ cấu DN" - ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cách đặt vấn đề với Chính phủ mãi không thể là "xin - cho". Các hiệp hội doanh nghiệp cần đề xuất yêu cầu với Chính phủ như đối tác bình đẳng, từ đó chất lượng các đề xuất chính sách sẽ tốt hơn nhiều.
Phát biểu kết luận diễn đàn, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME cho biết, diễn đàn đã được lắng nghe nhiều ý kiến trực tiếp và tại các điểm cầu. Các bài tham luận hàm chứa những nội dung khoa học, nhiều đề xuất mạnh dạn với mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục được hỗ trợ để phục hồi và phát triển.
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến để phản ánh lên Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan liên quan để mục tiêu tổ chức diễn đàn được phát huy hiệu quả cao nhất, hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp, từ đó tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!