Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp lần đầu tiên đưa ra cơ chế công khai minh bạch thông tin, khẳng định nhà nước không bao cấp, bù lỗ cho doanh nghiệp nhà nước. Đây là bước tiến quan trọng để Việt Nam hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, một số khái niệm về vốn đã không còn phù hợp, làm lẫn lộn, sai lệch các loại vốn, tài sản thuộc sở hữu nhà nước và sở hữu doanh nghiệp. Đây là vấn đề được thảo luận nhiều nhất tại buổi hội thảo sáng nay.
Vấn đề được nhấn mạnh tại hội thảo là Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện đang không phân biệt được về mặt pháp lý tài sản của doanh nghiệp và tài sản của nhà nước sau khi nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Ví dụ, khi bạn đầu tư vào doanh nghiệp, bạn sẽ trở thành cổ đông, số tiền đầu tư sẽ được chuyển thành cổ phần tương ứng. Số tiền đầu tư đó sẽ là tài sản của doanh nghiệp. Tuy nhiên với cổ đông nhà nước, vốn đó vẫn được xem là vốn sở hữu của nhà nước, dẫn đến doanh nghiệp phải xin ý kiến chủ sở hữu nhà nước khi muốn sử dụng tài sản đó. Nó tạo ra sự khác biệt giữa cổ đông nhà nước và cổ đông tư nhân.
"Bất kỳ một doanh nghiệp nào khi làm họ rất run vì đây là tài sản của nhà nước, vô hình trung chúng ta đã can thiệp sâu vào, có cái can thiệp quá sâu, có cái lại né tránh trách nhiệm, vì không đúng thẩm quyền mà can thiệp vào, mai mốt doanh nghiệp sai ông chủ sở hữu lại chịu trách nhiệm", ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính, chia sẻ.
91% người được hãng kiểm toán EY Việt Nam khảo sát cho rằng sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp nên tập trung vào hoạt động quản lý vốn, chứ không nên tập trung vào các vấn đề quản trị và vận hành của doanh nghiệp nhà nước.
"Chúng ta nên đưa nguyên tắc quản trị và thông lệ tốt về quản trị vào để quản trị doanh nghiệp hơn là xử lý bằng hình thức hành chính, hoặc những quy định cứng cũng như can thiệp quá sâu vào hoạt động điều hành tại doanh nghiệp bằng luật", ông Phan Đằng Chương, Phó Tổng Giám đốc EY Việt Nam, cho hay.
"Họ sẽ giám sát với vai trò cổ đông nhà nước và chỉ quan tâm lợi nhuận 1 năm được bao nhiêu, còn mọi hoạt động điều hành của doanh nghiệp do doanh nghiệp tự quyết định", ông Đặng Quyết Tiến nhận định.
Hội thảo cũng nhấn mạnh cần tăng cường minh bạch thông tin thông qua các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp. Như vậy, việc thất thoát hay không thất thoát vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!