Chi phí chăm sóc sức khỏe ở Mỹ cao nhất trong số các nước phát triển, theo nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg. Tuy nhiên, lý do mà người Mỹ phải móc hầu bao nhiều hơn lại không phải do sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhiều hơn mà chủ yếu là do mức giá leo thang bao gồm giá thuốc đắt hơn, lương cao hơn cho bác sĩ và y tá, chi phí quản lý bệnh viện và giá cả nhiều dịch vụ y tế cao hơn.
Số tiền người Mỹ chi tiêu cho thuốc men chiếm 10% tổng chi phí y tế quốc gia và nhiều hơn so với bất kỳ nước nào.
Theo OECD, mỗi người Mỹ đã chi gần 1.200 USD cho dược phẩm bán lẻ trong năm 2014. Con số đó cao hơn tới 45% so với Thụy Sĩ, đất nước xếp thứ hai về khoản chi này. Còn nếu so với một số nền kinh tế tiên tiến nhưng chi tiêu ít hơn đáng kể cho dược phẩm như Na Uy, Bồ Đào Nha hay Đan Mạch, khoản tiền dành cho thuốc men của người Mỹ gấp 3 đến 4 lần.
Hiện chính phủ Mỹ đang gánh khoảng 40% chi phí cho các đơn thuốc bán lẻ. Tỷ lệ hóa đơn thanh toán bởi người tiêu dùng đã giảm từ năm 1960, hiện ở mức 14%. Trong khi đó, tỷ lệ được trả bởi các công ty bảo hiểm y tế tư nhân ổn định ở mức 40% trong 1 thập kỷ qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!