Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao và vững vàng

Mạnh Hùng - Chí Hiếu (Ban Thời sự)-Thứ ba, ngày 11/12/2018 23:13 GMT+7

VTV.vn - Đây là nhận định của ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Việt Nam năm 2018 dự báo tăng 6,8% trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định. Điều này cho thấy tăng trưởng kinh tế Việt Nam vững vàng trước những trở lực từ thương mại thế giới. Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - ông Ousmane Dione - đã đưa ra nhận định như vậy khi mở đầu cuộc họp báo công bố ấn phẩm "Điểm lại" - một báo cáo thường niên về kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới được phát hành chiều 11/12.

Các cụm từ như: Sức khỏe nền kinh tế rất tốt, cán cân thương mại cải thiện, thặng dư ở mức cao, lạm phát duy trì ở mức thấp, nợ công so với GDP đã giảm xuống... liên tục được các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nhắc đến khi nói về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay. Theo WB, điều này có được là nhờ vào sức cầu mạnh trong nước, kết hợp sự năng động của các ngành chế tạo, chế biến theo định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - nói: "Bất chấp bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều thách thức, Việt Nam tiếp tục đạt tăng trưởng bền vững, song song với đó lạm phát ở mức vừa phải và tỷ giá tương đối ổn định. Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam nên tận dụng cơ hội, lợi thế trong lúc động lực tăng trưởng thuận lợi để đẩy mạnh cải cách cơ cấu và cải thiện hiệu suất đầu tư công".

Tuy nhiên, nhìn về trung hạn, Ngân hàng Thế giới dự báo, tăng trưởng của Việt Nam sẽ đi theo xu hướng toàn cầu tức GDP dự kiến sẽ giảm dần xuống mức 6,6% và 6,5% trong năm 2019 - 2020. Nguyên nhân là do Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động bên ngoài như căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang có thể giảm nhu cầu các mặt hàng xuất khẩu, giảm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Ông Sebastian Eckrdt - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - nói: "Là một nền kinh tế mở lớn hàng đầu trên thế giới, Việt Nam cần duy trì chính sách tiền tệ có khả năng ứng phó, tỷ giá linh hoạt và bội chi ngân sách thấp để nâng cao khả năng chống chịu những cú sốc đến từ tăng trưởng toàn cầu giảm tốc, căng thẳng thương mại đang diễn ra và rủi ro tài chính tăng cao đang che mờ triển vọng toàn cầu".

Cũng tại cuộc họp báo, Ngân hàng Thế giới đã công bố một nghiên cứu cho thấy các hiệp định thương mại tự do ký kết thời gian qua tuy giúp mức thuế ưu đãi trung bình của Việt Nam từ trên 13% vào năm 2003 giảm xuống còn dưới một nửa vào năm 2015, nhưng số lượng các biện pháp phi thuế quan lại tăng lên tới trên 20 lần. Sự gia tăng mạnh mẽ này cùng với các biện pháp phi thuế quan của Việt Nam hiện vẫn còn phức tạp, chưa rành mạnh, tốn kém đã khiến WB bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ có thể gây hạn chế thương mại, làm méo mó giá cả và suy yếu năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.

Việt Nam - Điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2019 Việt Nam - Điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2019

VTV.vn - Trong bức tranh chung của kinh tế toàn cầu, Việt Nam được xem là một điểm sáng và có nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2019.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước