Sáng 24/3, phát biểu tại lễ khởi công Khu Công - Nông - Lâm nghiệp lớn nhất miền Trung tại Khu kinh tế mở Chu Lai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, thành công của Tập đoàn Trường Hải ở Khu Kinh tế mở Chu Lai trong gần 20 năm qua đã góp phần khẳng định một cách đúng đắn từ rất sớm vai trò động lực quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời là một ví dụ sống động về tinh thần đổi mới sáng tạo và tư duy chiến lược trong phát triển.
Với tổng vốn đầu tư trên 8.000 tỷ đồng, Khu Công - Nông - Lâm nghiệp này được Tập đoàn Ô tô Trường Hải xây dựng thành một Trung tâm nghiên cứu - phát triển về giống, công nghệ sinh học và bảo quản, chế biến phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu khu vực miền Trung.
Đây còn là khu chăn nuôi thực nghiệm, kho lạnh chuyên dụng cho trái cây đi cùng với các nhà máy chế biến trái cây để bao tiêu sản phẩm của Hoàng Anh Gia Lai Nông nghiệp và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên để xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.
Khu Công - Nông - Lâm nghiệp này cũng sẽ là nơi thu hút các nhà đầu tư là đầu mối sơ chế và cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất đồ gỗ thông qua việc nhập khẩu và phát triển vùng trồng nguyên liệu tại miền Trung, Tây Nguyên, Lào và Campuchia.
Cùng với dự án này, Ô tô Trường Hải cũng khởi công dự án khu công nghiệp Cơ khí và Ô tô mở rộng, với tổng vốn đầu tư cho hạ tầng là 1.600 tỷ đồng để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ô tô du lịch đạt trên 40%, đáp ứng điều kiện để xuất khẩu sang các nước ASEAN vào năm 2020.
Bên cạnh đó, Ô tô Trường Hải cũng đầu tư thêm 2.600 tỷ đồng để mở rộng và đầu tư xây dựng bến cảng có thể đón được tàu 50.000 tấn. Từ đây, trái cây và nông sản từ Lào, Campuchia và Tây Nguyên sẽ được xuất khẩu sang các nước.
Đánh giá về sự chuyển hướng phát triển của Thaco từ một nhà sản xuất ô tô sang một tập đoàn đa ngành sau 15 năm có mặt ở Khu kinh tế mở Chu Lai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với người dân Quảng Nam cũng như cả nước, Chu Lai không chỉ là một trong những biểu tượng sống động về tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của nhân dân Việt Nam mà ngày nay đây là vùng đất của những doanh nghiệp tiên phong, dám nghĩ dám làm, với khát vọng vươn ra biển lớn.
Thủ tướng cho rằng, gần 20 năm trước, ít ai có thể hình dung một vùng đất cằn cỗi, hoang hóa như Chu Lai lại có thể trở thành nơi đặt đại bản doanh của một trong những tổ hợp công nghiệp thành công hàng đầu của cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thành công của Ô tô Trường Hải và Khu kinh tế mở Chu Lai đã góp phần khẳng định một cách đúng đắn từ rất sớm vai trò động lực quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời đúc rút ra được cả bài học thực tiễn và những tư duy chiến lược cho phát triển đất nước. Khu kinh tế mở Chu Lai với Tập đoàn Thaco là "con sếu đầu đàn" đã góp phần giúp Quảng Nam, 1 trong 3 tỉnh nghèo nhất nước cách đây 22 năm trở thành tỉnh có số thu ngân sách hơn 1 tỷ USD.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, bài học thực tiễn của Chu Lai đã cho thấy để xây dựng một khu vực động lực kinh tế thành công, cần hình thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh để thu hút, giữ chân doanh nghiệp, lôi kéo các nhà đầu tư mới cũng như khuyến khích những khát vọng kinh doanh vươn ra biển lớn.
Từ sự chuyển hướng trở thành một tập đoàn đa ngành của Thaco cũng như sự phát triển của Khu kinh tế mở Chu Lai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là tiền đề quan trọng để Chu Lai - Dung Quất và Đà Nẵng, góp phần tạo nên sức bật mới cho toàn bộ Miền Trung-Tây Nguyên hay còn gọi là cực tăng trưởng Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam - Quảng Ngãi và Bình Định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thủ tướng đang hình dung rõ ràng hơn về một Chu Lai trong tương lai sẽ đóng góp quan trọng, đưa Việt Nam trở thành trung tâm đồ gỗ nội thất của thế giới và một Chu Lai tái khởi nghiệp để trở thành trung tâm chế biến nông lâm nghiệp chất lượng cao của cả nước, có khả năng vươn tới những thị trường tiêu dùng có sức cầu lớn ở các nước ASEAN, Đông Bắc Á, G7 và G20.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc các nhà công nghiệp như Thaco đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ góp phần giải bài toán lớn về nguồn vốn cho nông nghiệp và nông thôn và giúp giải được bài toán "được mùa, mất giá; được giá, mất mùa" trong nhiều năm. Đây chính cũng là thực tiễn thành công trong nông nghiệp công nghệ cao, đi vào chế biến sâu của các tập đoàn hàng đầu châu Á, trong đó có Samsung hay Huyndai. Nếu Việt Nam đạt mức giá trị sản xuất 500 triệu VNĐ/ha, quy mô sản xuất nông nghiệp hàng năm của Việt Nam sẽ lên đến 600 tỷ USD, vượt rất xa quy mô nền kinh tế hiện nay của Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!