Khi nào người dân có thể sử dụng Mobile Money?

Hoa Trà-Thứ sáu, ngày 12/03/2021 20:47 GMT+7

VTV.vn - Mobile Money là hình thức thanh toán sử dụng tài khoản viễn thông di động mới được Thủ tướng đồng ý cho phép thí điểm gần đây.

Mobile Money – tiền di động, là phương thức thanh toán sử dụng tài khoản viễn thông di động để thanh toán vừa được Thủ tướng đồng ý cho phép thí điểm. Nhưng khi nào người dân mới có thể dùng số điện thoại để thanh toán là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Trao đổi với Phóng viên VTV Digital, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho biết Ngân hàng Nhà nước đã sẵn sàng cấp phép cho các doanh nghiệp muốn triển khai. Việc nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào chính doanh nghiệp viễn thông.

Khi nào người dân có thể sử dụng Mobile Money? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

PV: Thưa ông, việc triển khai Mobile Money sẽ tạo ra sự khác biệt như thế nào trong thanh toán không dùng tiền mặt?

Ông Nguyễn Kim Anh: Hiện nay số người có điện thoại di động ở Việt Nam là gần 125 triệu thuê bao, trong khi tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng là chỉ là 64%. Khoảng trống còn khá lớn nên hy vọng khi triển khai Mobile Money sẽ có chuyển biến mạnh mẽ về thanh toán các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, y tế, giáo dục, dịch vụ công....

Đây sẽ là giải pháp góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, mở rộng thêm kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động; mang lại tiện ích cho người sử dụng; tiết giảm chi phí để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tài chính toàn diện tại Việt Nam.

PV: Vậy dự kiến bao giờ người dân có thể sử dụng? và các Doanh nghiệp sẽ phải làm gì để cung ứng dịch vụ Mobile Money?

Ông Nguyễn Kim Anh: Ngay sau khi các doanh nghiệp viễn thông được chấp thuận cung cấp dịch vụ Mobile Money, người dân có nhu cầu sử dụng dịch vụ Mobile Money đặc biệt là người dân ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam sẽ đăng ký mở, nạp tiền và sử dụng dịch vụ Mobile Money. Điều quan trọng là các doanh nghiệp viễn thông cần khẩn trương xây dựng Hồ sơ đề nghị triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Quyết định 316/QĐ-TTg.

NHNN, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT), Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện thẩm định các nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý. Sau khi triển khai chính thức, Bộ TTTT sẽ có chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với NHNN và Bộ Công an trong công tác quản lý doanh nghiệp viễn thông, thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo việc thí điểm an toàn, hiệu quả, không để tội phạm lợi dụng cho các hành vi vi phạm pháp luật.

PV: Thưa ông, Mobile Money là dịch vụ mới chưa từng có, vậy để triển khai thành công, cần lưu ý những gì ạ?

Ông Nguyễn Kim Anh: Dịch vụ Mobile Money được khởi nguồn và phát triển tại một số quốc gia nơi dịch vụ tài chính chưa có sự phát triển như Kenya, Tanzania, Myanmar. Dựa trên kinh nghiệm tham khảo được, có thể nói cần nhiều yếu tố, phụ thuộc vào nhiều bên để có thể triển khai thành công dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam.

Khi nào người dân có thể sử dụng Mobile Money? - Ảnh 2.

- Đối với doanh nghiệp viễn thông: Trên cơ sở chuẩn bị hồ sơ, điều kiện kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tại Quyết định 316/QĐ-TTg; doanh nghiệp viễn thông cần xây dựng ứng dụng an toàn, thuận tiện, dễ sử dụng; Cần xây dựng hệ thống các điểm kinh doanh trên toàn quốc, trong đó ưu tiên triển khai thí điểm tại các địa bàn thuộc khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

- Các đơn vị cung ứng hàng hóa/dịch vụ: cần chấp nhận rộng rãi phương thức thanh toán này với các chi phí hợp lý;

- Người dùng cần thấy rõ lợi ích khi sử dụng phương thức này trên cả khía cạnh lợi ích tài chính và tính thuận tiện trong sử dụng;

- Đối với cơ quan quản lý nhà nước: NHNN, Bộ TTTT, Bộ Công an thực hiện thẩm định, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ, thường xuyên theo đúng Quyết định 316/QĐ-TTg vừa khuyến khích sử dụng nhưng phải đảm bảo việc thí điểm an ninh, an toàn và hiệu quả.

Tuy nhiên, dịch vụ Mobile Money là dịch vụ mới, chưa được quy định tại văn bản pháp lý hiện hành, có thể tiềm ẩn rủi ro phát sinh mà thời điểm hiện tại chưa thể lường hết trước được; do đó, các Bộ ngành phải tiếp tục hoàn thiện chính sách trong quá trình thực hiện thí điểm và sau khi tổng kết đánh giá sau 02 năm thực hiện.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi và nắm bắt thông tin phản ánh dư luận liên quan đến việc thực hiện thí điểm Mobile Money để kịp thời phối hợp với Bộ TTTT, Bộ Công an xử lý các vướng mắc, phát sinh.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước