Công nhân đi ngang qua một mỏ dầu của Nga. (Ảnh: Bloomberg)
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng, mặc dù cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra khiến nhu cầu dầu mỏ toàn cầu giảm sâu, nhưng đây không phải là một sự sụt giảm lâu dài.
Theo một báo cáo của IEA, khi chương trình tiêm chủng tiến hành trên diện rộng và các chính sách hạn chế được dỡ bỏ, nhu cầu dầu sẽ trở lại mức của trước đại dịch vào năm 2023.
IEA ước tính nhu cầu dầu toàn cầu mỗi năm sẽ đạt mức 104 triệu thùng/ngày vào năm 2026, tăng 4% so với năm 2019. Tuy nhiên, triển vọng nhu cầu dầu có thể sẽ hạ thấp hơn khi đại dịch đã thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân, với nhiều người làm việc tại nhà và ít đi du lịch hơn.
Trong khi đó, nhiều chính phủ cũng đang tập trung vào "đà phục hồi bền vững" và hướng tới một tương lai carbon thấp. Điều này làm tăng triển vọng nhu cầu dầu đạt đỉnh sớm hơn dự kiến trong trường hợp các chính phủ tuân thủ những chính sách mạnh mẽ để đẩy nhanh sự chuyển dịch sang năng lượng sạch.
Dự kiến, châu Á sẽ dẫn đầu về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu với việc chiếm 90% mức tăng từ năm 2019 đến năm 2026.
Ngược lại, IEA cho hay nhu cầu dầu ở nhiều nền kinh tế tiên tiến dự kiến sẽ không trở lại mức trước khủng hoảng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!