Để phát triển ngành thủy sản, nhu cầu về vốn là rất lớn.
Sản phẩm thủy sản của Việt Nam đang được xuất khẩu sang 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo các chuyên gia, ngành thủy sản của Việt Nam có sức cạnh tranh và nhiều tiềm năng. Tuy nhiên để phát triển ngành thủy sản, nhu cầu về vốn là rất lớn.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhu cầu vốn để xây dựng cơ sơ hạ tầng cho sản xuất thủy sản là 2.303 tỷ đồng, đến nay Nhà nước mới chỉ đầu tư được 160 tỷ đồng. Để đáp ứng được nhu cầu vốn, Việt Nam đang phải huy động thêm nguồn lực từ các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thủy sản cho rằng: “Hợp tác công tư giúp bổ sung nguồn lực, vì nếu chỉ đầu tư công thì không đủ. Thứ hai, hợp tác công tư giúp chúng ta học tập được kinh nghiệm, hòa nhập với quốc tế”.
Theo nhận định của đại diện khối doanh nghiệp tư nhân, một trong những thách thức mà các doanh nghiệp cần phải giải quyết là phát triển thủy sản gắn với bảo vệ môi trường. Do đó, một thỏa thuận hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển thủy sản bền vững vừa được ký kết giữa Tổng cục Thủy sản, đại diện khối doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội vào ngày 9/9. Tuy đây là bản ký kết thỏa thuận hợp tác công tư đầu tiên trong lĩnh vực thủy sản, nhưng Tổ chức hợp tác Quốc tế CHLB Đức và Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên đã thể hiện sự nỗ lực nhằm hỗ trợ Việt Nam trong phát triển thủy sản bền vững.
Hợp tác công tư đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ vốn và thúc đẩy phát triển thủy sản bền vững. Tuy nhiên theo một số chuyên gia, Việt Nam vẫn cần cải cách để các thủ tục đầu tư trở nên đơn giản và thông thoáng hơn nhằm thu hút đầu tư từ khối doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!