Ngày đầu tiên trở lại sản xuất sau quyết định dừng giãn cách xã hội, nhà máy in giấy thuộc Công ty Cổ phần In số 7 đã trở lại hoạt động, không khí nhộn nhịp hơn hẳn so với những ngày trước. Các ca làm việc được chia nhỏ trước đây đã tập trung lại để tăng công suất, đáp ứng đơn hàng. Tuy nhiên, các công nhân ở đây vẫn bắt buộc phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và giữ khoảng cách với nhau để phòng chống dịch.
Khách hàng tạm ngưng đơn hàng, chậm thanh toán khiến dòng tiền bị thiếu hụt nhưng doanh nghiệp đã quyết định dùng quỹ dự phòng để duy trì sản xuất, hỗ trợ cho đối tác. Đây là giải pháp hỗ trợ đối tác trong giai đoạn khó khăn, vừa có thể tạo việc làm cho gần 300 nhân viên. Việc sản xuất ổn định trở lại là điều kiện cần để doanh nghiệp tăng năng suất, tìm kiếm thị trường mới.
Với các doanh nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, đặc thù là đơn hàng có độ trễ thực hiện tới vài tháng, trong khi đối tác chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất, hợp đồng cũ đã kết thúc nhưng trong quý II vẫn chưa có hợp đồng mới. Do đó, việc Thủ tướng Chính phủ gỡ bỏ quy định giãn cách xã hội được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hàng hoá được lưu thông, kéo theo nhu cầu về máy móc, thiết bị sẽ tăng theo.
Mặc dù gỡ bỏ giãn cách xã hội là cơ hội tốt để khôi phục sản xuất, tiếp cận thị trường nội địa nhưng ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Công ty Cơ khí Duy Khanh Tống cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn phụ thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu. Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến liên kết giữa các doanh nghiệp, đứt gãy nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, nhu cầu xuất nhập khẩu đều ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền của doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!