Từ bán tour, nay chị Kiều Hương bán cả thực phẩm sơ chế. Hai năm làm du lịch, giờ chị phải rất vất vả mới có thể thích ứng với công việc mới.
"Phải mất một tháng mới bắt đầu quen với công việc. Rất mong du lịch phục hồi, giờ chỉ đủ trang trải thôi, chứ để nói đủ ăn thì hoàn toàn là không đủ ăn", chị Kiều Hương, Hà Nội, chia sẻ.
Dù khó khăn, nhưng chị Hương cũng là một trong số 1/3 nhân sự may mắn được doanh nghiệp lữ hành giữ lại khi chuyển đổi. Người lao động thiếu tiền, còn doanh nghiệp thiếu vốn nên chuyển sang ngành nào, mua cái gì cũng phải căn ke.
"Do nguồn lực tài chính không có nhiều nên anh chị em phải tính toán mua hàng thanh lý là chủ yếu, làm sao tối ưu được chi phí. Đến lúc này dòng tiền gần như là không có, chúng tôi phải xoay xở thanh khoản tài sản", Giám đốc Công ty CP Khám phá Mỹ Phùng Gia Tuấn chia sẻ.
Không chịu ngồi yên chờ hỗ trợ, với bản tính năng động của người làm du lịch, các doanh nghiệp vẫn đang làm đủ nghề trong bão dịch COVID-19.
Dịch COVID-19 cũng khiến không ít doanh nghiệp du lịch đẩy nhanh các kế hoạch, tuy nhiên nó mới chỉ nằm trên giấy.
"Dịch COVID-19 khiến chúng tôi mở mảng kinh doanh dược phẩm sớm hơn, nhanh hơn. Còn trong cộng đồng du lịch, các đối tác hay bạn bè chúng tôi họ cũng rất cố gắng xoay xở. Có bên làm khẩu trang, hay bán đồ ăn trưa, bán đặc sản vùng miền…", Giám đốc Marketing Công ty Du lịch BestPrice Bùi Thanh Tú cho hay.
Chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội, 6 tháng đầu năm nay, 95% doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa; 90% lao động du lịch mất việc. Nhiều giải pháp đang được các bộ ngành, địa phương đưa ra: từ việc cho vay để trả lương người lao động, hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch mất việc, bắt đầu nghiên cứu, chuẩn bị các phương án đón khách quốc tế, sử dụng "hộ chiếu vaccine"…
Tuy nhiên, không chịu ngồi yên chờ hỗ trợ, với bản tính năng động của người làm du lịch, các doanh nghiệp vẫn đang làm đủ nghề, chờ ngày du lịch "phá băng".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!