Tây Nguyên hiện là vùng trọng điểm Nông nghiệp với hàng loạt loại nông sản chủ lực của cả nước, trong đó có tới 5 loại nông sản giá trị kim ngạch mỗi năm trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, việc xuất khẩu nông sản dạng thô và sơ chế vẫn khá phổ biến, các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu mới trong khoảng 3 năm trở lại đây. Ngay lập tức, các doanh nghiệp đều nhận được những tín hiệu thuận lợi từ việc kinh doanh nông sản chế biến sâu.
Đầu tư chế biến cà phê từ năm 2007 tại khu công nghiệp Hòa Phú đến nay sản phẩm cà phê bột, cà phê hòa tan của doanh nghiệp đã có mặt tại 20 nước. Thị trường châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Sigapore gia tăng mạnh cộng với sức tăng tiêu thụ nội địa là lý do để năm nay doanh nghiệp quyết định mở rộng nhà máy, tăng công suất chế biến lên gấp đôi là 4000 tấn/năm. Việc tăng chế biến sâu sẽ là cơ sở để liên kết mạnh theo chuỗi với nông dân.
Thực tế thời gian qua có tình trạng doanh nghiệp lựa chọn những tỉnh gần TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương để đầu tư chế biến cà phê, tiêu,cao su. Điều này đặt ra cho các tỉnh Tây Nguyên phải có những thay đổi về môi trường và hạ tầng kinh doanh.
Mặt hàng hạt tiêu của Đăk Lăk lâu nay thường có cơ cấu xuất khẩu là 85% tiêu đen và 15% là tiêu trắng. Giờ đây đã có sự đảo chiều nhờ sự tham gia của công nghiệp chế biến sâu.
Hiện các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào cao điểm thu hoạch tiêu. Trên thị trường có thể thấy giá tiêu sọ hay còn gọi là tiêu trắng thường cao gấp đôi so với tiêu đen, điều đó cho thấy chỉ cần một thay đổi nhỏ trong chế biến, giá trị của nông sản đã tăng lên rất nhiều. Vấn đề đặt ra cho các địa phương là giải pháp công nghệ và chính sách thu hút đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp tham gia. Với hướng đi này Đăk Lăk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung đặt mục tiêu tăng tỷ lệ chế biến sâu với nông sản chủ lực lên 15-20%.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!