Có hay không việc làm giá phái sinh ngày đáo hạn?

Hoàng Nam-Thứ ba, ngày 26/05/2020 20:01 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Sự náo loạn trong thị trường chứng khoán phái sinh ngày 21/5 khiến nghi vấn “làm giá” lên mức đỉnh điểm.

"Tôi đã đầu tư phái sinh chuyên nghiệp từ những ngày đầu thị trường thành lập nhưng những gì lúc đó tôi cũng như nhiều nhà đầu tư có thể làm là chỉ đứng nhìn và không thể kịp thao tác để có thể triệu tiêu bớt thiệt hại cho tài khoản của chính mình. Lệnh mua đổ vào cực nhanh và nhiều", ông Nguyễn Sơn Linh, nhà đầu tư cho biết dư âm của cú "đánh úp" phiên đáo hạn phái sinh ngày 21/5 vẫn còn nguyên.

Náo loạn phiên ATC trên thị trường phái sinh ngày 21/5

Theo nhà đầu tư này, nguyên nhân được nhìn nhận là khi VN30 đang lình xình dưới tham chiếu khiến các nhà đầu tư Bán (Short) đang chắc mẩm mình sẽ có lãi thì bất ngờ chỉ chốc lát trước phiên ATC, 1 lượng tiền lớn đẩy vào "bốc" giá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn tăng mạnh, đồng nghĩa VN30-INDEX tăng hơn 10 điểm. Hoảng loạn cắt lỗ, nhà đầu tư ào ào chuyển vị thế sang Mua (Long), tuy nhiên điều này đã đẩy hợp đồng tương lai lên mức giá trần và trong phiên ATC nhiều nhà đầu tư đã khớp lệnh ở mức giá cao nhất có thể đồng nghĩa là thua lỗ lớn. Với tổng cộng 3.600 hợp đồng được khớp, những nhà đầu tư đặt lệnh long phiên ATC đã lỗ ngay lập tức hơn 17 tỷ đồng.

"Nghịch cảnh" này đã tạo ra 1 kỷ lục chưa bao giờ thấy trên thị trường chứng khoán phái sinh. Lần đầu tiên chênh lệch giữa VN30-Index và hợp đồng đáo hạn lên tới gần 50 điểm.

Có hay không việc làm giá phái sinh ngày đáo hạn? - Ảnh 1.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam nhìn nhận đây là sự bất thường cần được giám sát: "Thông thường tại những thị trường chứng khoán phái sinh phát triển, tại thời điểm đáo hạn, điểm số của hợp đồng tương lai và thị trường cơ sở sẽ tiệm cận nhau (chênh lệch sát 0). 

Còn ở trường hợp phiên 21/5, chênh lệch 48,4 điểm là mức rất lớn, diễn biến này thể hiện 1 hoạt đồng đầu cơ có chủ đích và nó làm méo mó bản chất cung cầu tự nhiên của thị trường. Đây là hiện tượng cần được tìm hiểu kĩ và có cơ chế được ngăn chặn."

Có hay không việc làm giá phái sinh ngày đáo hạn? - Ảnh 2.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam

Chứng khoán phái sinh ngày đáo hạn: "Sân chơi" không dành cho nhà đầu tư nhỏ lẻ?

Chứng khoán phái sinh ngày đáo hạn vốn đã nổi tiếng với đặc sản "giảm sâu, tăng sốc" của chỉ số VN30-Index. Thống kê trong năm 2019, ước tính 70-80% các phiên đáo hạn, chỉ số VN30-Index đều bị bán mạnh. Vậy ai được lợi? Để trả lời câu hỏi này, ta lại phải đi trả lời câu hỏi: Ai tác động được vào chỉ số VN30?

Có hay không việc làm giá phái sinh ngày đáo hạn? - Ảnh 3.

Tuy có đến 30 cổ phiếu trong rổ nhưng sự lên xuống của VN30-INDEX phụ thuộc rất lớn vào 1 số cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và tiêu dùng. Trong khi đó ngay cả các cổ phiếu lớn này cũng có thanh khoản không được tốt.

"Theo ước tính của chúng tôi, có 12 mã cổ phiếu thuộc VN30 có thanh khoản trung bình dưới 44 tỷ/phiên, có nghĩa là trong phiên ATC chỉ cần khoảng 100 tỷ đồng thôi là đủ khiến nhiều mã lớn trong rổ VN30 tăng/giảm tùy ý và dẫn tới sự biến động mạnh của chỉ số VN30-INDEX.", ông Lê Ngọc Nam, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn Đầu tư, CTCP Chứng khoán Tân Việt cho biết.

Có hay không việc làm giá phái sinh ngày đáo hạn? - Ảnh 4.

Ông Lê Ngọc Nam, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn Đầu tư, CTCP Chứng khoán Tân Việt

Phái sinh là thị trường có tổng bằng không (zero-sum game) tức là tiền của người này được là tiền của người khác mất. Sự khốc liệt của việc kiếm tiền trên thị trường tài chính là điều nhà đầu tư cá nhân cần hiểu trước khi tham gia, tuy nhiên sự bất cập về mặt quy định đang khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ phải chấp nhận rằng phiên đáo hạn phái sinh có thể là "sân chơi" không dành cho họ vì người thắng dường như đã được "định sẵn".

Giải pháp nào để hạn chế việc "làm giá" phái sinh

Theo ông Lê Ngọc Nam, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn Đầu tư, CTCP Chứng khoán Tân Việt, tỷ lệ free-float cho nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn cần được tăng lên để tránh cảnh dễ bị tác động.

Tuy nhiên giải pháp căn cơ hơn nằm ở bước xác định giá đóng cửa.

Tại thị trường phát triển như Thái Lan thì cơ chế xác định giá đóng cửa cho phái sinh là trung bình khớp lệnh của 15 phút cuối của thị trường cơ sở, loại trừ ba giá cao nhất và ba giá thấp nhất. Trong khi đó, trên thị trường cơ sở sẽ xác định giá đóng cửa ATC ngẫu nhiên trong 5 phút để hạn chế nhà đầu tư lớn canh giây phút cuối cùng để vào lệnh, ảnh hưởng giá, tác động tới chỉ số. 

Tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc), giá đóng cửa phái sinh là giá trung bình 5 phút giao dịch cuối cùng còn Việt Nam vẫn lấy giá đóng cửa phái sinh là giá ATC, không có loại trừ các diễn biến bất thường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước