Quyết định này của CMA được xem là đòn giáng mạnh vào tham vọng nâng cao vị thế của Microsoft trong lĩnh vực trò chơi điện tử và nếu được giữ nguyên, có thể cản đường thương vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ thế giới. Tuy nhiên, Microsoft cho biết sẽ kháng cáo.
Trong thông báo đưa ra hôm thứ Tư (26/4) theo giờ địa phương, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh (CMA) đã giải thích lý do ngăn chặn thương vụ Microsoft mua Activision Blizzard như sau: Vụ sáp nhập này sẽ giúp cho vị thế của Microsoft mạnh hơn nữa trong lĩnh vực trò chơi điện tử trên nền tảng đám mây và làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trên thị trường.
Trước đó, vào tháng 1/2022, Microsoft đã tuyên bố ý định mua lại Activision Blizzard với giá 69 tỷ USD, biến đây thành thương vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ thế giới. Tuy nhiên, thương vụ này cần được sự phê duyệt của các nhà quản lý ở các quốc gia 2 công ty này đang hoạt động.
Tháng 1/2022, Microsoft đã tuyên bố ý định mua lại Activision Blizzard với giá 69 tỷ USD, biến đây thành thương vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ thế giới. (Ảnh minh họa - Ảnh: businesstoday)
"Quyết định này đã khiến mọi người đều bất ngờ. Quá trình sáp nhập đã được phê duyệt ở các thị trường như Brazil, Nam Phi và gần đây nhất là Nhật bản, một trong những thị trường trò chơi điện tử quan trọng nhất. Tuy nhiên mỗi nhà quản lý lại có hệ thống luật lệ khác nhau và chịu trách nhiệm về các thị trường khác nhau", ông Liam Deane, nhà phân tích ngành công nghiệp trò chơi điện tử, cho biết.
Hiện tại, Microsoft đang đứng thứ 3 trong thị trường trò chơi kết nối với các thiết bị như tivi và máy tính (game console), sau 2 người khổng lồ Nhật Bản là Nintendo và Sony PlayStation, tuy nhiên lại đang dẫn đầu trên nền tảng đám mây.
Trong những năm qua, Microsoft đã tìm cách nâng cao vị thế trên thị trường bằng cách liên tục thâu tóm các công ty nhỏ hơn, nổi bật là thương vụ 7,5 tỷ USD mua lại Bethesda Softworks. Trong trường hợp thành công mua lại Activision, Microsoft sẽ sở hữu hàng loạt tựa game đình đám như Call of Duty, một trong những trò chơi ăn khách nhất thế giới hiện nay, và giữ vị trí thống trị trên nền tảng đám mây, điều CMA lo ngại sẽ hủy hoại sức cạnh tranh trên thị trường.
"Bây giờ họ đang gặp một chướng ngại lớn tại Anh. Thị trường này đủ lớn để khiến thương vụ bị đình trệ. Tuy nhiên, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nữa nếu Ủy ban châu Âu (EC) cũng bác bỏ thương vụ này trong vài tuần tới", ông Liam Deane, nhà phân tích ngành công nghiệp trò chơi điện tử nhận định.
Microsoft đang chờ đợi sự phê duyệt ở 2 thị trường lớn và quan trọng nhất là Mỹ và EU. Quyết định của CMA có thể tạo tiền lệ khiến các cơ quan quản lý khác cũng ngăn cản thương vụ này, nhất là khi cả Mỹ và EU đều đã bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực của nó lên thị trường trò chơi điện tử nói chung. Microsoft khẳng định sẽ kháng cáo.
Theo các chuyên gia, công ty này có thể sẽ thực hiện một vài điều chỉnh quan trọng nhằm giảm bớt lo ngại của CMA, ví dụ như tách mảng nền tảng đám mây ra khỏi hệ sinh thái trò chơi điện tử của công ty tại riêng thị trường Anh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!