Nghỉ tết mất “ngon”
Từ khi có quy định cấm giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học, thay vì bò ra làm vài chục bài tập/môn như trước đây, vài năm nay các em đã được chơi Tết đúng nghĩa.
Tuy nhiên, do tâm lý sợ các em “mải ăn tết quên nhiệm vụ học tập” nên một số giáo viên vẫn giao bài tập về nhà cho học sinh khiến các em không mấy thoải mái trong những ngày nghỉ tết.
Chị Lê Hường, phụ huynh một học sinh tại Quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, mỗi đợt nghỉ tết, cô giáo giao cho tổng cộng khoảng 4-5 phiếu bài tập về nhà cho tất cả các môn. Từ Toán, Tiếng Việt... đều có bài tập để học sinh không lơ là việc học trong những ngày nghỉ tết.
Trong khi một số học sinh khác “chạy đua” làm bài tập trong vài ngày nghỉ đầu tiên cho xong và dành toàn bộ thời gian sau đó để chơi, chị Hường cho biết, được thông báo lịch nghỉ. Thích qua, cháu hưởng thụ tết nhất thoải mái xong mới bắt đầu bắt tay vào bài vở.
“Con em không quá chăm học nên còn vài ngày nữa kết thúc kì nghỉ, cháu mới lao vào làm bài. Thực ra, số bài tập không quá nhiều nhưng tâm lý các con sau một kì nghỉ thường hay uể oải nhưng vẫn phải làm vì sợ cô giáo kiểm tra lại bị nhắc nhở”, chị Hường cho biết.
Chị Nguyễn Thi (Mỹ Đình, Hà Nội), phụ huynh học sinh Trường Dân lập ĐTĐ cũng chia sẻ, kì nghỉ tết năm ngoái, nhà trường cũng có giao cho mỗi học sinh mỗi môn một phiếu bài tập về nhà. Chị không nhớ chính xác mỗi phiếu là bao nhiêu bài tập, và tùy vào mỗi môn có số lượng bài tập/phiếu khác nhau. Tuy nhiên, mỗi phiếu như thế, ít ra cũng từ 5- 10 bài tập.
Rút kinh nghiệm năm trước, do chưa làm bài tập nên cả đợt tết, cháu có tâm lý không thoải mái chút nào. Do đó năm sau, mới nghỉ vài ngày, con gái chị đã tranh thủ làmbài tập từ trước tết theo kiểu mỗi ngày làm một ít. Và dự kiến năm nay gia đình sẽ cho cháu đi du lịch dài ngày trong đợt nghỉ này nên theo chị Thi, khả năng cháu sẽ lại cố gắng hoàn thành bài tập sớm để yên tâm đi chơi trong mấy ngày tết.
Không nên có bài tập dịp Tết
Anh Tuấn Anh, phụ huynh một học sinh Trường tiểu học M.K (Hải Phòng) cho biết, hầu như tết nào giáo viên cũng có giao bài tập về nhà cho con gái anh. Tuy nhiên, anh khuyên con nên làm bao nhiêu tùy thích bởi ngày lễ tết, các con phải được chơi đúng với lứa tuổi.
Cô Nguyễn Hà, giáo viên Ngữ Văn THCS tại Thanh Hóa chia sẻ, với những giáo viên khác thì không biết thế nào nhưng bản thân mình không bao giờ giao bài tập về nhà cho học sinh quá nhiều. Đơn giản với học sinh của mình, trong mỗi kì nghỉ tết như thế, cô chỉ giao làm một bài văn tự luận hoặc học thuộc một bài thơ trong chương trình, để nhắc nhở các em vui xuân không quên nhiệm vụ học tập.
“Việc học sinh mải chơi hay không là do ý thức của từng em. Giáo viên có muốn ép các em học cũng không thể được nên tốt nhất hãy để học sinh thoải mái thì sau kì nghỉ, các em mới có tâm lý tốt để học tập”, cô Hà nói.
Chia sẻ về điều này, cô Phạm Thị Cúc Hà (Thạc sĩ Quản lý Giáo dục Úc) cho biết, không nên giao bài tập cho học sinh dịp tết bởi việc học của các con kéo dài cả đời chứ không phải chỉ vài ba ngày tết. Tuy nhiên, không giao bài tập cho học sinh cũng khó bởi chúng sẽ lại ôm Ipad, điện thoại hoặc ti vi... vì hiện nay chúng ta rất thiếu sân chơi cho trẻ em.
Thạc sĩ Cúc Hà phân tích, hiện nhiều gia đình không có điều kiện cho các con đi du lịch ở xa nên tết thường là ngày để gần gũi và quây quần trong gia đình. Trong khi tết ở quê bây giờ đã không còn nhiều hồn vía như xưa nữa, người lớn thì phần lớn là tụ tập rồi ăn ăn uống và cho trẻ con lì xì... là xong nên gia đình cần tạo cho các con những ngày tết ý nghĩa.
Vì vậy theo chị, sai lầm của giáo viên là ép học sinh học trong những ngày tết bằng cách giao quá nhiều bài tập về nhà. Tốt nhất, nên “giao bài tập” cho con kiểu như khuyến khích các con đọc một vài cuốn sách phù hợp với lứa tuổi trong dịp tết. Như thế, trẻ con vừa không lơ là việc học mà những ngày tết cũng trôi qua đầy ý nghĩa.
“Ngoài đọc sách, cùng quây quần bên gia đình, mình nghĩ ngày tết các gia đình có thể đưa con đi chơi, thăm thú để trải nghiệm và chụp ảnh để ghi lại kỉ niệm”... chị Cúc Hà nói.