Thoạt tiên là pháo đài Vysehrad và Hradcany - nay là thành cổ Praha. Tiếp đến là khu Mala Strana. Sau đó cầu đá dài nửa cây số, nơi tôi đang đứng ngắm dòng sông thanh bình Vltava, được xây dựng vào giữa thế kỉ XIV.
‘ Cầu Charles về đêm
Chiếc cầu như một tác phẩm kiến trúc - điêu khắc đá hoành tráng, mang tên Charles, vị vua danh tiếng bậc nhất trong lịch sử phong kiến quốc gia Czech. Hai bên cầu dựng lên 30 bức tượng Thánh huyền thoại Thiên chúa giáo cùng với nhà thờ Saint – Guy và khu Nove Mesto, tạo nên một quần thể kiến trúc duyên dáng bậc nhất châu Âu thời bấy giờ.
Theo từng thời kì phát triển của trường phái nghệ thuật châu Âu, Praha mang đầy đủ dáng nét tinh hoa của kiến trúc Roman, Gotthic, Baroque… Đá hoa cương là vật liệu xây dựng, trang trí phổ biến ở tất cả các công trình. Praha hiện diện như một viên ngọc lấp lánh giữa lòng châu Âu. Và cho đến bây giờ, hình ảnh một Praha tráng lệ vẫn không hề mất đi vẻ quyến rũ kì lạ của nó.
‘ Praha nhìn từ trên cao
Năm 1992, thành phố Praha được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Một điều kì diệu nữa, thật khó tin: Qua chiến tranh, ngót ngàn năm lịch sử tàn phá hàng trăm đô thị châu Âu, châu Á, nhưng riêng Praha cổ tích vẫn gần như nguyên vẹn. Phải chăng số phận đã dành sự ưu ái đặc biệt cho thành phố ra đời từ giấc mơ huyền thoại?
Trong buổi chiều muộn, lắng tiếng vĩ cầm từ nhóm du ca đồng quê, gợi tôi nhớ một thời thật dịu êm, hiền hòa như chính dòng sông Vltava lặng lẽ trôi. Mùa thu, trời se se lạnh, ngước nhìn sang bên kia tả ngạn, một quần thể kiến trúc hiện lên trong nắng vàng rực rỡ. Đây là khu phố cổ, Hoàng cung, tu viện Thánh George, đại giáo đường Thánh Vitus, cung điện mùa hè, nhà thờ Chánh tòa… Nổi bật trên ngọn đồi là lâu đài cổ kính Praha - biểu tượng ngàn năm của dân tộc Czech.
‘ Đại giáo đường Thánh Vitus (St. Vitus)
‘ Lâu đài Praha - biểu tượng của CH Czech
Chúng tôi chậm rãi đi lên ngọn đồi Strahov. Mỗi bậc đất đỏ, mỗi nấc thang, ngước lên đồi cây, bỗng nhớ đến tình yêu của nhà thơ trữ tình Nezvan gửi lại Praha trước khi ông giã từ thế giới đáng yêu này: Praha ơi, từ biệt em buồn biết mấy/Những lâu đài dinh thự đẹp dường kia…
Tòa lâu đài Praha tọa lạc trên ngọn đồi rộng lớn 7ha, được công nhận là lâu đài cổ, lớn nhất thế giới (theo sách kỉ lục Guines), xây dựng vào thế kỉ IX, là niềm tự hào của Cộng hòa Czech. Từ trên cao nhìn xuống thành phố, rực lên vạt nắng cuối ngày, đổ xuống đôi bờ Vltava. Ánh sáng chiều dịu dần, hàng cây xanh chuyển màu tím sẫm, mái nhọn những lâu đài cổ nhuốm một màu đen huyền bí.
Trở lại chiếc cầu đá được mệnh danh là cầu Tình yêu đã thọ trên 650 năm tuổi, trở về hữu ngạn trong đêm chớm lạnh, những chùm đèn đã bật sáng trên đại lộ, đâu đó vẫn nghe se sẽ tiếng vĩ cầm đường phố. Sau giây phút đắn đo, chúng tôi lên xe ngựa Hoàng đế theo lời mời, ngả lưng trên chiếc đệm nhung màu huyết dụ. Người quản mã mặc lễ phục, vun vút vung roi vào không khí. Thành phố trở nên yên tĩnh hơn.
‘ Quảng trường Venceslas
Tiếng vó ngựa gõ đều nhịp trên con đường loang loáng ánh đèn, đưa chúng tôi đi qua quảng trường Venceslas lịch sử, ngước nhìn chiếc đồng hồ cổ Osloj gõ đúng 9 tiếng chuông. Ngay sau đó là tiếng gà cất lên từ trên chóp chuông. Lâu đài cổ, những dinh thự tường cao bao bộc, tòa thị chính có hai lính chỉnh tề bồng súng… Tất cả như lẫn vào đêm, chỉ còn lại từng vầng sáng trên đôi bờ Vltava tĩnh lặng, trên những mái vòm. Trong khoảnh khắc yên tĩnh, tôi ngỡ như mình đang rơi vào một miền cổ tích lấp lánh sao đêm. Lâu đài Praha rực sáng trên đồi cao.