Muốn mua được những chiếc nón lá đẹp nhất, bền nhất, chắc chắn các bạn phải đến với làng Chuông ở Thanh Oai, Hà Nội.
Ngay trong đình làng Chuông từ sáng sớm, các bà, các mẹ đã có mặt rất sớm, mang những bó lá lụi khô đem bán. Những bó lá lụi tươi, trước tiên phải được vò kỹ cho mềm nhưng không phải bằng tay mà bằng chân và phải vò bằng cát trộn lẫn với sỏi nhỏ vụn.
Lá sau khi vò xong sẽ được phơi nắng cho khô. Phơi cũng phải cẩn thận tách từng lá một ra phơi. Lá phơi từ xanh sẽ chuyển dần sang trắng, sau đó rẽ lá ra, rồi là cho thật phẳng. Khi là phải dùng khăn nhúng nước, hơ trên lửa nóng rồi mới chà nhẹ lên lá cho thẳng.
Nón lá làng Chuông giờ có thêm nhiều sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Muốn làm ra những chiếc nón thật đều, thật đẹp, người làm nón sẽ dùng khung tre có 8 gọng, mỗi gọng có 16 khấc đều nhau để đặt các vòng nón. Sau đó là công đoạn tạo hình, xếp lá lên khung và cố định lại và cuối cùng là khâu nón.
Để giữ gìn nét đẹp làng nghề làm nón, một trong các cách người dân trong làng vẫn đang làm là duy trì các phiên chợ. Tại phiên chợ này, những người bán nón thường đội chính nón của mình lên đầu để chào hàng. Nhưng không phải chỉ 1 chiếc mà là một chồng nón. Điểm đặc biệt nhất của chợ phiên làng nón là người mua thì đứng yên, còn người bán phải chạy quanh chợ chào hàng, tìm người mua.
Ngoài giờ đi làm ban ngày, con cháu trong làng vẫn làm thêm nghề cổ truyền. Ngoài ra, những nghệ nhân nơi đây cũng tìm hướng đi mới cho làng nghề, không chỉ làm ra nón để đội mà còn nhiều công dụng khác như trang trí hoặc nón thời trang…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!