Dòng Cổ Chiên - đoạn chảy qua cồn Phú Đa là nơi “nước lành cát sạch” nên loài ốc gạo an cư phát triển từ bao đời. Cái tên “ốc gạo” cũng do chính người dân sinh sống trên dòng Cổ Chiên đặt.
Xuất phát từ câu chuyện, các gia đình ven sống thường bắt ốc về luộc ăn, khi ăn không hết mới đem đi bán ở chợ. Những hộ dân nghèo thì dùng ốc đổi lấy gạo, từ đó món ốc cứu đói được gọi bằng cái tên ốc gạo để hàm ơn dòng sông Cổ Chiên đã sản sinh ra loài ốc ngon này.
Ốc gạo khác với các loài ốc khác là không có nhớt nên có thể chế biến luôn. Ốc gạo thường có vỏ màu xanh, ruột trắng thịt đầy. Khi ăn có vị béo, thơm, ngon và giòn đến lạ kỳ.
Ốc gạo có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như ốc gạo xào dừa, ốc gạo xào xả ớt, ốc luộc, nấu lẩu mắm…
Nếu có điều kiện, bạn hãy thử một lần ghé qua Bến Tre để tìm hiểu cách đánh bắt ốc gạo trên dòng sông Cổ Chiên và thưởng thức món ăn đặc sản này.