Smartphone đã luôn cải tiến tính năng qua mỗi năm, nhưng yếu tố cốt lõi của điện thoại vẫn được giữ nguyên khá nhiều. Đó là một thiết bị có thể cầm trên tay và thực hiện các chức năng cơ bản.
Bằng những concept dưới đây, cùng xem tương lai của điện thoại sẽ trở thành thế nào khi chúng không còn gặp rào cản về mặt công nghệ, cho phép đột phá ở cả thiết kế lẫn tính năng.
Điện thoại đeo tay
Sự kết hợp giữa đồng hồ thông minh và điện thoại thông minh mang đến một số tiềm năng lớn, có thể thực sự thay thế cho smartphone thông thường.
Trên thực tế, dạng thiết kế này đã được ứng dụng thành công trên mẫu ZTE Nubia ra mắt năm 2019 với màn hình dẻo 4-inch có thể uốn cong.
Điều này giúp đưa mọi thông tin được hiển thị, mọi thông báo ứng dụng từ trong túi lên cổ tay một cách thuận tiện, dễ dàng.
Điện thoại dạng máy chiếu
Nói về đeo tay, đây là một concept thú vị được giới thiệu từ năm 2014 có tên gọi là "vòng đeo smartphone". Thiết bị loại bỏ hoàn toàn màn hình vật lý để thay thế bằng một vòng đeo ở cổ tay.
Sản phẩm sử dụng cơ chế chiếu phát hình ảnh và nhận diện thao tác, cử chỉ bằng tia laser. Đây là công nghệ đã được ứng dụng thành công, giúp tạo ra những bàn phím dạng máy chiếu có độ chính xác cao.
Tuy nhiên, việc đưa toàn bộ thành phần của một chiếc smartphone vào sản phẩm chỉ bé như vòng cổ tay là một thách thức thực sự, và không phải là điều dễ dàng để thực hiện trong tương lai gần.
Điện thoại trong suốt
Ý tưởng về một chiếc smartphone mỏng như tấm card, thậm chí trong suốt làđiều không còn mới mẻ. Trên thực tế đã từng có một bằng sáng chế được LG đăng ký vào năm 2015 với tên gọi "smartphone trong suốt có thể gập".
Mặc dù trông khá hấp dẫn và độc đáo, nhưng việc sử dụng màn hình trong suốt sẽ khiến người dùng đối mặt vấn đề độ tương phản và khả năng hiển thị dưới ánh đèn, hoặc ánh mặt trời.
Điện thoại dạng cuộn giấy
Với công nghệ màn hình cuộn sẵn có trên một số dòng TV, smartphone cũng có thể được sử dụng theo cách thức tương tự nhưng việc sử dụng xem ra khá phức tạp và không mấy tiện lợi.
Điện thoại tích hợp vào lens mắt
Giống như đeo lens (hay kính áp tròng), người ta có thể tạo ra những tròng kính công nghệ với khả năng hiển thị và tương tác đặc biệt.
Trên thực tế, công nghệ "Kính áp tròng Bionic" đã được nghiên cứu từ những năm 90, và một số phòng lab đã thử nghiệm sản phẩm trên động vật. Tuy nhiên, sự xuất hiện của công nghệ này ở tương lai gần vẫn là điều khó xảy ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!