5 năm trước, đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực công nghệ ở Ấn Độ là không đáng kể. Tuy nhiên, nó đã bùng nổ vào năm 2017 và 2018, dẫn đầu là Alibaba và Tencent.
Từ đầu năm 2017 đến tháng 6 năm nay, tổng giá trị các khoản đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc vào Ấn Độ đạt tới 4,3 tỷ USD. Khi những lệnh cấm giống như phát súng nổ trên chiến trường công nghệ giữa hai nước thì triển vọng dòng vốn của Trung Quốc đổ vào lĩnh vực công nghệ của Ấn độ đã vấp phải những thách thức lớn.
Nhìn vào hồ sơ đầu tư của các đại gia công nghệ Trung Quốc, có thể thấy, Ấn Độ như là thị trường trọng điểm hàng đầu của họ. Trong top 10 công ty khởi nghiệp Ấn Độ có giá trị hơn 1 tỷ USD, 7 công ty được hậu thuẫn bởi các nhà đầu tư chiến lược Trung Quốc. Cùng lúc, cả chục ứng dụng điện thoại di động lớn của Trung Quốc cũng được dịp nở rộ ở Ấn Độ. Hai ứng dụng phổ biến nhất của Trung Quốc là UC Browser, TikTok and SHAREit đã được người dùng Ấn Độ tải xuống hơn 1 tỷ lượt.
Thế nhưng, hậu quả từ căng thẳng chính trị giữa hai nước khiến việc cấp vốn cho các công ty bị ngưng trệ. Dòng tiền của các nhà đầu tư Trung Quốc vào thị trường công nghệ Ấn Độ đang có xu hướng chậm lại, do lo ngại về những gián đoạn do thay đổi chính sách và khả năng thu lời khi tình hình chính trị biến động. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư từ các nước khác lại đang gia tăng.
Thung lũng Silicon (Mỹ) đang nắm bắt thời điểm vàng này. Hồi tháng 7, Google cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào thị trường công nghệ Ấn Độ. Trước đó không lâu, Facebook đồng ý rót 5,7 tỷ USD vào công ty viễn thông Jio ở Mumbai. Và tất nhiên, cuộc chiến công nghệ giữa Bắc Kinh - New Delhi không chỉ đem đến cơ hội cho bên thứ ba. Người hưởng lợi đầu tiên sẽ là những công ty công nghệ khởi nghiệp của chính Ấn Độ.
Việc cấm các ứng dụng của Trung Quốc là một cơ hội lớn cho các doanh nhân khởi nghiệp và các công ty của Ấn Độ để tạo ra sự thay thế mạnh mẽ hơn, các sản phẩm "Made in India" cho thế giới.
Trung bình, mỗi ngày ở Ấn Độ có từ 2 - 3 start-up công nghệ ra đời. Lệnh cấm của Chính phủ với các ứng dụng từ Trung Quốc sẽ tạo ra một khoảng trống lớn - nơi mà các công ty công nghệ của nước này có thể thỏa sức phát triển. Với hơn 800 triệu người dùng điện thoại thông minh hiện nay, các sản phẩm nội địa, phù hợp với văn hóa và cuộc sống có thể mang lại nguồn doanh thu vô cùng lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!